Dân chủ trong trường học: Công khai, minh bạch, giám sát cụ thể
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, sáng 24/3.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với hơn 20 triệu học sinh cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia vào “biết, bàn, làm, kiểm tra”.
Trong “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những mũi phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở. Nhưng thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã, và trường ĐH, CĐ cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Đây là vấn đề cần phải lưu ý.
Nhiều trường học thực hiện sơ sài, hình thức
Điểm lại việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá thẳng thắn việc mất dân chủ, tình trạng khiếu kiện ở một số cơ sở giáo dục được phản ánh thời gian qua là cá biệt hay là tương đối nhiều trong các nhà trường. “Chúng ta nhìn thẳng vào những bất cập cũng phải rất nỗ lực mới khắc phục được nhưng nếu không nhìn thẳng vào thì chắc chắn không bao giờ khắc phục được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục. Đơn cử tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số trường ĐH hay vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên vừa qua là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.
Tuy nhiên, khi Phó Thủ tướng đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu trường ĐH, CĐ đã thành lập hội đồng trường, đại diện Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) không đưa ra được thống kê đầy đủ, mà chỉ có số liệu ở phạm vi ngành mình quản lý. Cụ thể, có 16/38 trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT; 30% trường cao đẳng nghề có hội đồng trường.
"Việc thành lập hội đồng trường là “chỉ số" cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường ĐH, CĐ nhưng các đồng chí nắm cũng không đầy đủ. Số liệu có được thì số trường có hội đồng trường cũng không nhiều dù luật đã quy định. Đây là ví dụ cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường ĐH, CĐ đang như ở mức nào”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Dân chủ phải gắn với tự chủ, giám sát
Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng “không phải chăm chăm nói dân chủ sẽ có dân chủ” nên ông kiến nghị cần cải tiến về phương pháp giáo dục, gắn dân chủ với tự chủ thì mới phát huy được vai trò, tính sáng tạo, chủ động của giáo viên vào công việc của nhà trường. Đi kèm với đó phải tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác, khách quan.
“Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội sẵn sàng tham gia xây dựng quy trình đánh giá dân chủ trong trường học”, ông Lâm bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến cho rằng những DN CNTT hoàn toàn có thể xây dựng các phần mềm hết sức đơn giản, hiệu quả để đánh giá giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ nhà trường.
Ý kiến nhiều đại biểu cùng bày tỏ quan điểm phải tăng cường tự chủ trong các trường học, nhất là khối ĐH, CĐ, mới phát huy được hết dân chủ cơ sở khi đội ngũ giáo viên, giảng viên được tự quyết định, thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình gắn chặt với sự phát triển của nhà trường thay vì làm theo chỉ đạo từ cấp trên, cơ quan chủ quản.
Đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện dân chủ của nhà trường là phải công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, thực hiện các quy chế càng chi tiết càng tốt.
Qua các ý kiến tại hội nghị, trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường, tùy từng mức là của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Đi vào cụ thể, Phó Thủ tướng nêu một số giải pháp rất quan trọng để đảm bảo thực hiện dân chủ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối trường ĐH, CĐ. Bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc,” áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, và đặc biệt là về nhân sự.
Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng có cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.
“Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng về cơ bản văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, mà nguyên nhân chính là chúng ta không công khai, minh bạch thông tin.
Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, báo cáo minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.