Đạm Cà Mau 'bắt tay' với Wuhuan nâng công suất nhà máy
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Công trình Ngũ Hoàn Trung Quốc (Wuhuan Engineering Co., Ltd) nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau.
Ba mảng chính trong hợp tác giữa Đạm Cà Mau và Wuhuan là nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm; nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; hợp tác để DCM cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới do Wuhuan thực hiện.
Wuhuan là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn của Trung Quốc, có năng lực về thiết kế kỹ thuật và EPC, thực hiện nhiều dự án, trong đó có lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG.
Trước đó, dự án Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn sản phẩm ure/năm, nguyên liệu đầu vào của nhà máy là nguồn khí từ mỏ PM3-CCA, với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Dự án này có sự tham gia của Wuhuan với tư cách tổng thầu, đảm nhận thiết kế, mua sắm và thi công xây dựng.
Năm 2024, Đạm Cà Mau có kế hoạch tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp và triển khai đầu tư 6 dự án mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư 12 dự án.
Liên quan đến thị trường Đông Nam Á, tại Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Đạm Cà Mau cho biết doanh nghiệp có mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Phân bón của Đạm Cà Mau hiện đã xuất khẩu sang bốn thị trường tại khu vực này, bao gồm Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Campuchia. Trong đó, Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của DCM với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.
Mới đây, ngay sau khi tham dự Hội nghị Phân bón Quốc tế thường niên Singapore 2024, Đạm Cà Mau đã có chuyến làm việc với công ty Sino – Agri Potash tại Lào.
Sino – Agri Potash là công ty con của công ty Đầu tư Quốc tế Asi – Potash (AP), nhà cung cấp phân kali hàng đầu thế giới, đã hoạt động tại Lào hơn 11 năm trong lĩnh vực khai thác muối kali.
Từ năm 2021, AP đã nâng công suất sản xuất cụm dự án tại Thakhek, tỉnh Khammoune (Lào) cho tới hiện tại là 3 triệu tấn MOP/năm (trong đó 30% là kali dạng hạt). Đến năm 2025, AP có mục tiêu tăng lên mức 5 triệu tấn/năm, năm 2030 là 10 triệu tấn/năm. Trữ lượng mỏ trong cụm dự án thuộc AP khoảng 1 tỷ tấn. Cụm dự án được đầu tư bao gồm 10 dự án thành phần như mỏ, nhà máy chế biến và tạo hạt MOP và các chất phụ trợ, trung tâm thương mại, nhà ở… với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Theo Đạm Cà Mau, đoàn công tác của doanh nghiệp đi thị sát thị trường Lào lần này nhằm tìm hiểu và nắm bắt khả năng cung ứng, nhu cầu giao thương của đối tác tại Lào. Đồng thời, thông qua chuyến công tác quảng bá thương hiệu phân bón Cà Mau và mở rộng liên kết chuỗi tại thị trường các nước ASEAN.
Tính đến hết năm 2023, Đạm Cà Mau xuất khẩu phân bón sang 18 quốc gia trên thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng lượng tiêu thụ của DCM và có giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu.
Trong tháng 4/2024 vừa qua, Đạm Cà Mau đã được thông qua việc thực hiện kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt từ Australia, trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng chỉ xuất khẩu phân bón vào thị trường này.
Bên cạnh Australia, Đạm Cà Mau cũng đặt kế hoạch đưa các sản phẩm phân bón vào thị trường New Zealand trong năm 2024.