Đảm bảo năng lượng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Năng lượng là huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố then chốt quyết định để đảm bảo khả năng phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Do đó, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là bài toán lâu dài cần phải giải để hiện thực hóa mục tiêu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phát triển NLTT để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Ảnh minh họa
Nhiều rào cản hạn chế phát triển năng lượng tái tạo
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển năng lượng quốc gia, với quan điểm năng lượng cần được đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiều quyết sách quan trọng, chủ trương lớn đã được ban hành như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Luật Điện lực (sửa đổi)… Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, song việc phát triển các nguồn điện được đánh giá là có xu hướng tăng chậm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đang chững lại, làm dấy lên mối quan ngại về khả năng thiếu điện trong tương lai.
Hạn chế trong phát triển NLTT được ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương - chỉ ra trước hết là do thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và cơ sở hạ tầng truyền tải điện, giữa xây dựng và khai thác đồng bộ nguồn và lưới gây nghẽn lưới điện, nhiều dự án NLTT bị cắt giảm công suất phát điện. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính, giá điện vẫn chưa rõ ràng, ổn định, gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư. Việc thiếu cơ chế lưu trữ năng lượng, điều độ linh hoạt cũng dẫn tới khó khăn trong việc tích hợp nguồn NLTT vào hệ thống điện quốc gia. Thiếu đồng bộ dữ liệu và nền tảng số phục vụ quản lý NLTT cũng là vướng mắc hiện nay. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển NLTT, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh còn thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành điện, dầu khí, giao thông, công nghiệp.
Tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2030, điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 560,4-624,6 tỷ kWh; công suất cực đại đạt khoảng 89.655-99.934 MW.
Chia sẻ thêm về rào cản, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - cho biết, điện gió ngoài khơi là một nguồn NLTT quan trọng, mặc dù các quy định về điện gió ngoài khơi đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, nhưng vẫn chưa đủ để triển khai, do đó chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được khởi động, nên sẽ khó hoàn thành mục tiêu có 6.000 MW điện gió vào năm 2030.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Chandan Singh - Tổng Giám đốc Hitachi Energy tại Việt Nam - cho rằng, mặc dù Việt Nam đang liên tục xây dựng và đưa vào hoạt động các đường dây truyền tải điện cao áp, nhưng việc truyền tải điện từ các dự án NLTT vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không giống với mạng lưới điện tại các quốc gia khác đang trong quá trình chuyển đổi sang NLTT, Việt Nam đang thiếu hụt các thiết bị chuyên dụng để bù đắp cho tính bất ổn của điện NLTT, thiếu các cơ sở lưu trữ NLTT cũng như thiếu sự kết nối trong mạng lưới điện để phục vụ cho hoạt động mua bán năng lượng.
Cần có cơ chế để huy động nguồn vốn lớn
Các chuyên gia cho biết, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên và đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Điều này kéo theo nhu cầu điện năng tăng gần 1,5 lần, tương đương mức tăng 12 - 16% mỗi năm. Đây là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời để phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn NLTT thì nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2026-2028 là hiện hữu. Trong bối cảnh này, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong việc phát triển NLTT, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 183.291-236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747-80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII. Đáng chú ý, trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã bổ sung thêm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất đạt 4.000-6.400 MW sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035. Như vậy, quy mô công suất các nguồn điện đã cao hơn rất nhiều, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư. Giá mua điện cũng sẽ được áp dụng khác nhau theo miền, có nghĩa là đã xem xét đến tín hiệu đầu tư, chi phí sản xuất. Những nguồn điện ở gần nơi phụ tải hơn sẽ được mua với giá cao hơn để khuyến khích giảm truyền tải…
Với những tín hiệu tích cực trên, để đẩy nhanh quá trình thực hiện, ông Tuấn kiến nghị cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… để tạo hành lang pháp lý ổn định, môi trường thuận lợi cho việc phát triển NLTT. Đối với các văn bản dưới luật, cần phải ban hành các quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt, giá mua bán điện thủy điện tích năng, làm cơ sở để hỗ trợ phát triển các nguồn NLTT, các nguồn năng lượng mới.
Bên cạnh vấn đề về khung pháp lý, theo ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguồn tài chính cũng là bài toán lớn cần phải giải để có thể đẩy mạnh phát triển năng lượng trong thời gian tới.
Ông Đông cho biết, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, trong giai đoạn 2026-2030, tổng vốn đầu tư để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải lên tới 136,3 tỷ USD. Nếu huy động vốn trong nước, Việt Nam chỉ có thể đảm bảo được khoảng 30% tổng nguồn vốn, còn lại khoảng 70% (tức khoảng 95 tỷ USD) phải huy động từ các nguồn lực bên ngoài. Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, các quy định hiện hành đưa ra cơ chế khi đầu tư xây dựng dự án điện, vốn điều lệ của chủ đầu tư phải chiếm 30%, còn lại 70% có thể huy động từ các kênh khác, trong đó có một nguồn lớn huy động từ các định chế tài chính và thị trường vốn thế giới.
Như vậy, để các nhà đầu tư có thể thu xếp được vốn đầu tư vào các dự án điện thì cần phải có cơ chế chia sẻ rủi ro một cách thỏa đáng. “Nếu các định chế tài chính quốc tế không đáp ứng được yêu cầu về việc chia sẻ rủi ro thì triển vọng thu hút đủ tài chính cho đầu tư các dự án điện sẽ nằm ngoài mong muốn chủ quan của Chính phủ và nhà đầu tư” - ông Đông nói./.