Đắk Lắk: Cần làm gì để không còn nỗi đau TNGT ở lứa tuổi học sinh?

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an Đắk Lắk nhấn mạnh, để không còn nỗi đau tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh, cần gắn trách nhiệm của gia đình, nhà trường và chính quyền cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền giáo dục học sinh.

Để không còn nỗi đau tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật ATGT đối với lứa tuổi này, phóng viên Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk.

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk trao đổi với Báo Giao thông. Ảnh: N.H.

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk trao đổi với Báo Giao thông. Ảnh: N.H.

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông đến trường diễn ra như thế nào, thưa ông?

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 76 vụ tai nạn liên quan lứa tuổi học sinh làm chết 52 em, bị thương 50 em. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan lứa tuổi học sinh đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Hằng ngày, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển các loại phương tiện mô tô, xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông tương đối phổ biến. Trong khi thói quen ý thức của học sinh chưa cao, rất dễ xảy ra tai nạn.

Phương tiện tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Trong khi phụ huynh học sinh biết là nguy hiểm, vi phạm pháp luật nhưng vẫn giao xe, mua xe và không có biện pháp quản lý chặt chẽ con em mình là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn trong thời gian qua.

CSGT vào tận sân trường, rà soát xác minh xử lý học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông. Ảnh: N.H

CSGT vào tận sân trường, rà soát xác minh xử lý học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông. Ảnh: N.H

- Lực lượng CSGT đã thực hiện công tác đảm bảo ATGT liên quan lứa tuổi học sinh như thế nào?. Trong quá trình xử lý có khó khăn gì không, thưa ông?

Trong tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm (từ 1/10-30/10/2024), lực lượng CSGT đã lập biên bản vi phạm với 2.237 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 1.199 phương tiện.

Tất cả các trường hợp học sinh vi phạm, đều được CSGT gửi thông tin đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để yêu cầu rà soát, yêu cầu Ban giám hiệu các trường mời phụ huynh lên thông tin vi phạm của con em mình để giáo dục.

Tôi nghĩ thời gian qua, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền cấp cơ sở chưa thật sự gắn kết trong quản lý giáo dục học sinh chấp hành pháp luật nói chung, chấp hành Luật giao thông nói riêng.

Ngoài nhà trường, chính quyền cơ sở và cha mẹ, người giám hộ phải tuyên truyền giáo dục con em mình chứ không thể trong chờ một tổ chức hay cá nhân nào khác.

Bên cạnh đó, kỹ năng lái xe an toàn là quan trọng trọng nhất nhưng hầu như các em tham giao thông theo thói quen.

Thực tế, hiện nay xe máy điện, xe đạp điện,... cũng chạy như xe mô tô trên cùng một con đường, thời gian nhưng các em chưa hiểu biết về các quy tắc tham gia giao thông, kỹ năng các em không có nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

CSGT phát hiện xử lý các trường hợp học sinh độ chế xe đạp điện gây mất ATGT trên quốc lộ 26. Ảnh: N.H

CSGT phát hiện xử lý các trường hợp học sinh độ chế xe đạp điện gây mất ATGT trên quốc lộ 26. Ảnh: N.H

- Thời gian tới, lực lượng CSGT có giải pháp, kiến nghị gì để tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT liên quan lứa tuổi học sinh, nhằm kịp thời phòng ngừa và ngăn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, thưa ông?

Gốc rễ của TNGT nói chung và TNGT liên quan lứa tuổi học sinh liên quan lứa tuổi học sinh nói riêng là công tác tuyên truyền. Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền đủ mạnh, đủ răn đe.

Đồng thời, phối hợp với các trường dạy lái, cơ quan truyền thông xây dựng các video, hình ảnh, tình huống cụ thể để tuyên truyền đến được phụ huynh, học sinh.

Bên cạnh đó, cần tập trung hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, có thể tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lái xe an toàn và cấp giấy cho các em đủ điều kiện tham gia giao thông.

Vừa qua, Phòng CSGT đã triển khai các nhóm Zalo giữa lãnh đạo Công an tỉnh với Sở GD-ĐT và các cơ quan tham mưu; các huyện thành lập nhóm Zalo Phòng GD-ĐT, lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện, và các trường, khi có học sinh vi phạm sẽ thông tin lên nhóm các trường có trách nhiệm kiểm tra, và có biện pháp giáo dục xử lý.

Đồng thời, tham mưu tổ chức triển khai xử lý nghiêm hành vi giao xe chưa người chưa đủ tuổi điều khiển. Một số địa phương đã khởi tố hình sự một số trường hợp cha mẹ, người giám hộ giao xe cho người không đủ điều kiện.

Các nhiệm vụ trong Chỉ thị 31 của Thủ tướng giao rất cụ thể cho các Bộ, Ngành, chỉ cần làm tốt các nhiệm vụ đó, tôi nghĩ tình trạng TNGT liên quan lứa tuổi học sinh sẽ được kéo giảm.

Theo thượng tá Bùi Trọng Tuấn, trách nhiệm của ngành giáo dục, trực tiếp là Ban giám hiệu các trường, giáo viên phải thực hiện số giờ giảng dạy tuyên truyền ATGT, …. Đưa nội dung giáo dục pháp luật trật tự ATGT vào chương trình chính khóa, giao cho Đoàn, Hội các trường học tuyên truyền giáo dục.

Phụ huynh phải nhận thức được nguy hiểm để con em mình tự do điều khiển các phương tiện khi chưa đủ điều kiện, xe mô tô chưa đủ tuổi, kể cả xe máy xe đạp điện. Đứa con thả ra đường nhưng không quản lý giám sát thì rất nguy hiểm, phụ huynh không được để có tâm lý chủ quan.

Đặc biệt, các cấp, các ngành cùng vào cuộc thì tình hình tai nạn nói chung, tai nạn liên quan lứa tuổi học sinh mới có sự chuyển biến. Trong đó, gốc rễ vẫn trách nhiệm của gia đình, nhà trường và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT đối với người tham gia giao thông.

Ngoài ra, Lực lượng CSGT đang phối hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền và xử lý, gắn trách nhiệm của các trường trong việc đảm bảo trật tự ATGT liên quan lứa tuổi học sinh. Nếu Ban giám hiệu các trường để học sinh vi phạm nhiều không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý thì cần nghiên cứu đến việc xếp loại thi đua theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 31/CT-TTg.

Ngọc Hùng

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/dak-lak-can-lam-gi-de-khong-con-noi-dau-tngt-o-lua-tuoi-hoc-sinh-192241217215632775.htm