Đại học Thái Nguyên tổng kết chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nhân lực
Các kết quả mang lại từ chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực là những thay đổi tích cực và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của Đại học Thái Nguyên.
Sáng 24/11, tại Trung tâm Học liệu và Công nghệ Thông tin (Đại học Thái Nguyên) đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên.
Tham dự chương trình có ngài Brendon – Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, ngài Michael Sadlon – Giám đốc Chương trình Aus4skills, đại diện Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, Thành phố Thái Nguyên.
Về phía Đại học Thái Nguyên có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường, đơn vị thành viên trực thuộc cùng đông đảo các cựu học viên của chương trình Aus4kills.
Đại học Thái Nguyên là một trong 3 Đại học vùng, được thành lập ngày 04/4/1994 theo Nghị định số 31/CP của Thủ tướng Chính phủ, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước theo tinh thần Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.
Đại học Thái Nguyên có 07 trường đại học thành viên (Trường Đại học Sư Phạm, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Kỹ Thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học); Trường Ngoại ngữ; Khoa Quốc tế; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai; các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Hiện nay, quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên có trên 50.000 sinh viên trình độ đại học (sinh viên nữ chiếm trên 50%), gần 5000 học viên sau đại học và nghiên cứu sinh; hơn 1.000 lưu học sinh của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại học Thái Nguyên đang đứng trước những thuận lợi để phát triển, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) đã xác định Đại học Vùng là đại học “thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.
Tự chủ đại học là một chủ trương lớn đã được luật hóa, điều này giúp các đại học chủ động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 đã xác định vùng trung du, miền núi Bắc bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng.
Đại học Thái Nguyên đóng tại Thái Nguyên là trung tâm của Vùng, là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, có mạng lưới giao thông thuận lợi, là nơi giao thoa kinh tế - văn hóa - xã hội giữa miền núi và miền xuôi.
Đây là điều kiện thuận lợi phát triển giáo dục, đào tạo, chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi để Đại học tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục, quản lý giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển giáo dục.
Với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế, Đại học Thái Nguyên xây dựng phương hướng nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung mọi nguồn lực, giữ vững và phát triển 3 trụ cột: đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công và tư vấn chính sách có hiệu quả.
Đưa nguồn lực của toàn Đại học trở thành động lực mạnh đối với tăng trưởng và phát triển bền vững của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó trọng tâm là tỉnh Thái Nguyên.
Một trong 6 giải pháp trọng tâm là điều chỉnh, tái cơ cấu ngành nghề đào tạo; Tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển để xây dựng chương trình đào tạo chất lượng.
Xây dựng chương trình đào tạo trong những năm tới theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hợp tác, gắn kết chặt chẽ chương trình đào tạo với cơ sở sử dụng nguồn nhân lực như doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất... của Vùng từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra đến thiết kế chương trình, nội dung đào tạo, sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp trong một số mô đun đặc thù.
Chương trình Aus4Skills là tên gọi tắt của Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực, đây là dự án của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Chương trình Aus4Skills bao gồm 5 hợp phần, thực hiện Aus4skills với Đại họcTN ở 2 hợp phần số 2 và 3: (2) Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học miền núi phía Bắc; (3) Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong lãnh đạo; {(1) Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (4) Hỗ trợ Kế hoạch đầu tư viện trợ của Australia; (5) Hỗ trợ các mối quan tâm rộng hơn của Australia}.
Tiến sĩ Bùi Thị Hương Giang, Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế của Đại học Thái Nguyên, điều phối viên của chương trình Aus4skills tại Đại học Thái Nguyên:
“Trong suốt quá trình tham gia hợp phần hành trình nữ lãnh đạo 1 (WIL1) thuộc chương trình Aus4skills, tôi được tiếp thu những kiến thức và kỹ năng do các chuyên gia đến từ Australia truyền thụ, đây là nền tảng giúp tôi triển khai các hoạt động tại đơn vị một cách hiệu quả hơn.
Chương trình Aus4skills đã thật sự truyền cảm hứng cho tôi để thay đổi tư duy cả trong công việc và trong cuộc sống.
Là một thành viên của mạng lưới cựu sinh Aus4skills, giờ đây tôi có thể dễ dàng kết nối với các thành viên và các bên liên quan để cùng thực hiện các mục tiêu chung.
Tôi tin tưởng vào kết quả hợp tác tốt đẹp trong giai đoạn mới giữa Đại học Thái Nguyên và các trường Đại học từ Australia mà chương trình Aus4skills là một cầu nối quan trọng”.
Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Thanh Vân nhấn mạnh: “Từ những kết quả to lớn đã đạt được, Đại học Thái Nguyên đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong quản trị, lãnh đạo và quản lý; đổi mới chương trình giảng dạy, đảm bảo chất lượng và bình đẳng giới. Phó Giám đốc Trần Thanh Vân cũng khẳng định Đại học Thái Nguyên cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp nối các nội dung của các hợp phần, duy trì mạng lưới các cựu sinh Aus4skills để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác từ Úc và xây dựng, đề xuất các chương trình hợp tác tiếp theo”.
Cũng nhân dịp này, Phó Giám đốc Trần Thanh Vân đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Chương trình Aus4skills, các chuyên gia của Úc đã hỗ trợ Đại học Thái Nguyên thực hiện thành công chương trình này.
Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ngài Brendon Brooker đã đánh giá cao các kết quả đã đạt được của chương trình Aus4skills với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm.
Ngài đại sứ nhấn mạnh, thông qua chương trình, các cán bộ quản lý các cấp của Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Thái Nguyên đã luôn chứng tỏ ý chí chính trị rất mạnh mẽ cũng như sự chủ động hòa nhập hơn thông qua việc triển khai các chiến lược và thông điệp về bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp được gây dựng nên giữa các trường đại học của Đại học Thái Nguyên với nhiều trường đại học ở Australia, đem lại lợi ích cho hàng nghìn sinh viên đang học tập tại Đại học Thái Nguyên nói chung cũng như của Trường Đại học Nông Lâm nói riêng.
Ngài Brendon Brooker cũng đã bày tỏ sự cảm động và ấn tượng mạnh với khả năng linh hoạt, thích ứng tuyệt vời của các cán bộ quản lý của Đại học Thái Nguyên đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối phó với rất nhiều thách thức do dịch Covid – 19 gây ra.
Ông bày tỏ sự tin tưởng, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm sẽ tiếp tục nỗ lực và duy trì, nhân rộng những thành tựu và bài học kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua và đặt niềm hy vọng ở sự hợp tác tiếp theo của các bên trong thời gian tới.
Tại chương trình, các đại biểu đã được nghe Tiến sĩ Bùi Thị Hương Giang – Phó trưởng ban Ban Hợp tác Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) là điều phối viên của chương trình tại Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) báo cáo tổng quan kết quả chương trình hợp tác giữa chương trình Aus4skills với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm.
Báo cáo của 02 điều phối viên tại chương trình đã nêu bật và thể hiện rõ những kết quả đã đạt được của chương trình hợp tác.
Các đại biểu cũng đã nghe các nhà quản lý của Đại học Thái Nguyên là các cựu học viên của chương trình Aus4skills trình bày tham luận về các nội dung như: “Đổi mới quản trị, lãnh đạo và quản lý theo hướng tự chủ đại học tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên”; “Xây dựng, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, hướng tới tự chủ đại học”; “Thúc đẩy bình đẳng giới tại Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên”; “Thúc đẩy công tác đảm bảo chất lượng tại Đại học Thái Nguyên”.
Với vai trò là cố vấn của chương trình, bằng hình thức gián tiếp, các chuyên gia của Australia như: Tiến sĩ Greg McMillan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Central Queensland, Giáo sư Howard Nicolas – Trường Đại học La Trobe, Tiến sĩ Shaun Nykvist – Trường Đại học Công nghệ Queensland, chuyên gia về giới – Tiến sĩ Cara Ellick – Trưởng khoa Giới, Trường Đại học Flinders và Glenn Davied đã chia sẻ với các đại biểu tham dự chương trình những kinh nghiệm thực tế từ nền giáo dục của Australia cũng như định hướng áp dụng tại Việt Nam và Đại học Thái Nguyên nói riêng.
Cũng tại chương trình, các đại biểu đã dành thời gian tham quan gian trưng bày các các kết quả đạt được của Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) sau 03 năm thực hiện chương trình với nhiều kết quả quan trọng mang tính đột phá trong các lĩnh vực quản trị và lãnh đạo đại học theo tinh thần tăng cường tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, đổi mới chương trình giảng dạy, đảm bảo chất lượng giáo dục và bình đẳng giới.
Có thể khẳng định, các kết quả mang lại từ chương trình là những thay đổi tích cực và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của Đại học Thái Nguyên.
Đại học Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp nối các nội dung của các hợp phần, duy trì mạng lưới các cựu học viên của Aus4skills để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác từ Australia và xây dựng, đề xuất các chương trình hợp tác tiếp theo.