Dải Gaza: Hơn 600 cuộc tấn công trong 17 ngày, Israel tuyên bố bước vào 'giai đoạn mới' trong chiến dịch quân sự
Ngày 3/4, quân đội Israel tuyên bố bước vào 'giai đoạn mới' trong chiến dịch tấn công ở Gaza.

Israel đã tiến hành hơn 600 cuộc tấn công vào Dải Gaza từ ngày 18/3. (Nguồn: EPA)
Hãng thông tấn THX dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Effie Defrin cho biết, lực lượng này đã tiến hành hơn 600 cuộc tấn công tại Gaza kể từ khi tiếp tục hoạt động vào 17 ngày trước, hôm 18/3, sau sự đổ vỡ của lệnh ngừng bắn.
Ông Defrin nói: "Kế hoạch phục vụ các mục tiêu của cuộc xung đột - đưa các con tin trở về, phá hủy khả năng quân sự và chính quyền của Hamas".
Trước đó, ngày 2/4, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Israel Katz cho biết đã mở rộng đáng kể hoạt động quân sự ở Gaza và sẽ giành quyền kiểm soát thêm các khu vực rộng lớn để đưa vào các vùng an ninh của Israel.
Ông tuyên bố sẽ có một cuộc di tản dân số quy mô lớn khỏi các khu vực giao tranh và kêu gọi người dân Gaza tiêu diệt Hamas và trả lại các con tin Israel. Theo ông, đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích kế hoạch này của Israel, cho rằng quốc gia Trung Đông đang thực hiện cách tiếp cận bất hợp pháp, "coi thường luật pháp quốc tế và hoàn toàn tách biệt khỏi mục tiêu hòa bình”.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế có lập trường bảo vệ các địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo, ngăn chặn những hành động khiêu khích và đẩy lùi các nỗ lực mở rộng lãnh thổ của Israel.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ngày 2/4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động quân sự tại Gaza, với 27 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 16 phiếu trắng.
Nghị quyết đưa ra hàng loạt yêu cầu đối với Israel, bao gồm dỡ bỏ lệnh phong tỏa bất hợp pháp đối với Dải Gaza, chấm dứt cản trở hoạt động hỗ trợ nhân đạo và khẩn cấp khôi phục các nhu cầu cơ bản cho người dân khu vực này.
Ngoài ra, văn kiện lên án Israel vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, chỉ trích "việc sử dụng nạn đói của dân thường như một phương thức xung đột" và kêu gọi các quốc gia ngăn chặn tình trạng cưỡng bức di dời người Palestine. Nghị quyết cũng yêu cầu Israel đảm bảo trách nhiệm pháp lý trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng.
Đặc biệt, nghị quyết đề xuất các quốc gia ngừng cung cấp thiết bị quân sự cho Israel và mở rộng điều tra về việc chuyển giao vũ khí, đạn dược và các linh kiện liên quan. Đồng thời, nghị quyết kêu gọi Đại hội đồng LHQ xem xét thành lập nhóm điều tra mới về các tội ác quốc tế trong cuộc xung đột tại Gaza.
Israel đã phản đối nghị quyết này, trong khi một số quốc gia bỏ phiếu chống cho rằng văn kiện thiếu cân bằng vì không đề cập đến Hamas.