Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội chiều nay - 24/5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến cụ thể vào các điều khoản của Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ ngày 24/5

Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ ngày 24/5

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị bổ sung thêm một điểm vào quy định về "Vũ khí hoán cải, là loại vũ khí quân dụng đã được hoán cải, vô hiệu hóa làm mất tính năng, tác dụng để phục vụ triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, huấn luyện, giáo dục quốc phòng, an ninh”. Lý do là hiện nay địa phương đã được cấp một số loại vũ khí hoán cải phục vụ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh nhưng chưa có quy định quản lý loại vũ khí này trong các văn bản luật hiện hành.

Dự thảo Luật có phần giải thích về vũ khí thể thao, bao gồm: súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi…; kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu; dao có tính sát thương cao. Tuy nhiên tại Phụ lục I, nhóm I ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-BVHTTDL ngày 14/6/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục các môn, nội dung thi đấu thể thao thuộc nhóm I, nhóm II và nhóm III thì "dao” không phải là môn, nội dung thi đấu thể thao. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về công cụ hỗ trợ, cho rằng cụm từ "động vật nghiệp vụ” chưa được đề cập đến bao gồm những loại động vật nào được coi là công cụ hỗ trợ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định rõ về "động vật nghiệp vụ” là loại động vật nào.

Trong Dự thảo Luật quy định: "Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo và dao có tính sát thương cao sử dụng để lao động, sản xuất, sinh hoạt”, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ khái niệm "đồ gia bảo” được quy định trong điều khoản này. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích từ ngữ đối với khái niệm thế nào là "đồ gia bảo”?

Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng cụm từ "động vật nghiệp vụ” chưa được đề cập đến bao gồm những loại động vật nào.

Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng cụm từ "động vật nghiệp vụ” chưa được đề cập đến bao gồm những loại động vật nào.

Về các trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung ngoài việc cấp giấy phép không đúng thẩm quyền thì việc không đúng đối tượng cũng cần phải thu hồi giấy phép. Ví dụ như: cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không đủ điều kiện để quản lý, sử dụng, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ mà vẫn được cấp giấy phép thì cần phải thu hồi ngay loại giấy này để bảo đảm an ninh trật tự, môi trường.

Về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, Dự thảo Luật quy định: "Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng nội dung quy định này chưa rõ ràng, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định rõ: Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp khi kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp cần phải có ý kiến đề nghị của cả 03 Bộ là Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hay chỉ là ý kiến của một trong ba bộ này để thuận tiện cho việc thực hiện Luật khi được ban hành.

Về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một điểm quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho hoạt động khai thác khoáng sản…

Tham gia vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Đỗ Đức Duy trao đổi: "Về cơ bản chúng tôi thống nhất việc dự thảo luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng chỉ áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự".

"Tuy nhiên, trên thực tế ở các địa phương, chúng tôi thấy rằng có một số hội nghị do địa phương chủ trì tổ chức nhưng có sự tham gia của đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và có những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự. Tôi đề nghị nghiên cứu theo hướng bổ sung thêm các hội nghị mặc dù cho do địa phương tổ chức nhưng có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và có những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự thì có thể bổ sung thêm là đối tượng cảnh vệ" - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thông tin.

Đại biểu đề nghị: "Trường hợp nếu trong dự thảo luật không quy định cứng về các loại hội nghị này thì tôi đề nghị quy định theo hướng mở, đó là trong trường hợp cần thiết đối với các hội nghị do địa phương tổ chức có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước tham dự và có yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự thì Bộ trưởng Bộ Công an có thể quyết định là đối tượng cảnh vệ theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tức là theo từng trường hợp cụ thể thì như vậy nó sẽ linh hoạt hơn".

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận ở tổ.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận ở tổ.

Về thời hạn của "Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 60 ngày”, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho rằng đề nghị quy định rõ trong Luật các trường hợp được trang bị vũ khí quân dụng, khi nào thì được trang bị vũ khí quân dụng hoặc có thể quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Đồng thời, đề nghị không nên quy định cứng về thời hạn giấy phép là 60 ngày mà nên quy định từng trường hợp theo các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt, hạn chế được việc phát sinh các thủ tục hành chính khi phải gia hạn.

Về thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tại Khoản 5 Điều 40, đại biểu cho rằng việc quy định như vậy không phù hợp thực tế, đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, có thể ủy quyền cho UBND cấp tỉnh cấp lại hoặc điều chỉnh một số trường hợp hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công thương quy định. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị thì văn bản đề nghị bổ sung thêm họ tên, chức vụ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

Đối với quy định về "thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, thời hạn quy định như vậy là quá ngắn, nên điều chỉnh tăng thời gian thực hiện cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lên 7-10 ngày làm việc.

Cùng đó, đại biểu Luận đã tham gia ý kiến vào thời hạn của giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và giấy phép dịch vụ nổ mìn…

Minh Quang - Hoàng Sâm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/323204/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-yen-bai-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro.aspx