Đại biểu Quốc hội nêu điều kiện khi tư nhân đầu tư truyền tải điện

Ghi nhận việc mở rộng cho tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện là cần thiết, song đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trong luật để tránh tùy tiện trong áp dụng.

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 10/1, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm việc sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng cho tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện.

Nội dung này nằm trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (một luật sửa tám luật).

Phân định rõ tư nhân được đầu tư loại hình nào

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhìn nhận quy định này là sự thay đổi lớn về chính sách. Khẳng định việc cho phép khối tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, song bà Mai cho rằng việc này cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Bà cũng đặt vấn đề về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật liên quan đến quy định này.

“Hôm nay, Quốc hội mới bàn về việc nên hay không nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, ngay cả khi chưa có Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, một đơn vị tư nhân đã tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện. Vào tháng 10/2020, họ đã khánh thành hơn 17 km đường dây 500 kV từ tỉnh Ninh Thuận đến Bình Thuận", nữ đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: Hồng Phong.

Theo bà, đóng góp của doanh nghiệp rất đáng trân trọng, nhưng phải được thể chế hóa bằng quy định của pháp luật thì mới được phép áp dụng. Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp.

Góp ý cụ thể về đề xuất mở cửa cho tư nhân tại dự thảo, bà Mai dẫn quy định: “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng”.

Bà cho rằng quy định như vậy chưa rõ về nội dung, cũng chưa quy định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Vì vậy, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các loại hình kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào do Nhà nước quy hoạch và chuyển giao EVN thực hiện.

Chung quan điểm, đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nhận định quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong kiểm soát và đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện.

Đại biểu Quốc hội Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Ảnh: Hồng Phong.

Ông đề nghị chỉnh lại quy định theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.

Đồng ý từng bước xã hội hóa truyền tải điện, song theo đại biểu, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào cần tính toán thận trọng và chắc chắn.

Xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai góp ý thêm dự thảo luật cần quy định rõ về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Đi kèm với đó là quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư.

Về tính an toàn của hệ thống, bà Mai băn khoăn vì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, điều này dẫn đến trong cùng một hệ thống sẽ có chủ thể vận hành khác nhau.

Phiên thảo luận trực tuyến tại đầu cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồng Phong.

“Tham khảo chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống”, bà Mai nói và đề nghị cân nhắc để tránh hệ lụy về sau.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu đề cập là việc hạch toán và định giá chuyển giao, theo dự thảo luật, sau khi xây dựng, đầu tư, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành. Tuy nhiên, phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật.

“Hệ thống lưới điện truyền tải là một trong những loại tài sản mà trên thực tế thời gian qua đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác dẫn đến thiệt hại rất lớn cho Nhà nước nên cần quy định cụ thể để có căn cứ thực hiện”, nữ đại biểu góp ý.

Về lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, đại biểu đề nghị xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả doanh nghiệp có thể cạnh tranh, tham gia.

"Từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là cả một khoảng cách và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần thiết có quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý”, bà Mai nêu quan điểm và cho rằng nếu chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ thì có thể tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội ở kỳ họp sau.

Theo chương trình nghị sự, trong phiên bế mạc Quốc hội chiều 11/1, đại biểu sẽ bấm nút biểu quyết thông qua dự án một luật sửa tám luật.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-neu-dieu-kien-khi-tu-nhan-dau-tu-truyen-tai-dien-post1288723.html