Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến về các dự án luật
Chiều nay 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Tổ thảo luận số 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Phú Thọ, Bình Dương.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng, các quy định tại Điều 4 (Tài sản đấu giá) không có quy định biển số xe ô tô đẹp trúng đấu giá là tài sản cũng như hiện nay chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào có quy định trên.
Theo đó, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 6, Nghị quyết số 73/2022/QH15 về Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô, thì người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế “biển số xe ô tô trúng đấu giá” kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
Việc quy định bán đấu giá biển số xe đẹp là để phòng chống tiêu cực trong đăng ký biển số xe, phòng chống đầu cơ, trục lợi trong đăng ký biển số xe nhưng lại mâu thuẫn với quy định của Bộ Luật Dân sự là: quy định không được giao dịch dân sự nhưng Nhà nước đưa ra bán đấu giá (là đã giao dịch), đồng thời làm hạn chế quyền tài sản đối với người trúng đấu giá biển số xe.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định pháp lý đầy đủ về biển số xe đẹp trúng đấu giá thuộc loại tài sản gì để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ Luật Dân sự.
Về quy định tài sản đấu giá là “Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, đại biểu đề nghị nên có quy định mở, không quy định bắt buộc tất cả các loại tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đều thuộc tài sản bán đấu giá, mà tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận là các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận xử lý bảo đảm thu hồi nợ, khi không thỏa thuận được thì xử lý theo trình tự tư pháp.
Về quy định các đối tượng không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị bổ sung “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của bên vợ, bên chồng” để tạo sự chặt chẽ, tránh lợi dụng tùy tiện như người tham gia đấu giá đưa người trong gia đình của mình vào làm “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu tán thành việc ban hành luật này nhằm luật hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế bất cập sau nhiều năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, thống nhất với các luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...
Tham gia ý kiến cụ thể vào điều khoản của dự thảo luật, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại các quy định tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh), Điều 2 (Giải thích từ ngữ), Chương III (Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp) để đảm bảo nội hàm về quy phạm pháp luật và kỹ thuật lập pháp.