Đại biểu Quốc hội: Căn cước công dân ghi quê cha, sao không thêm quê mẹ?
Nhiều đại biểu băn khoăn vì sao căn cước công dân lại ghi quê quán là quê cha mà không phải quê mẹ, từ đó đề nghị bổ sung.
Tại sao quê quán phải ghi là quê cha?
Ngày 10/6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân. Theo ông, lâu nay quy định quê quán được hiểu là quê cha, không có quê mẹ liệu đã hợp lý hay chưa?
"Quê quán chúng ta ghi quê cha, tức là quê nội, cuối cùng thông tin này đem lại ý nghĩa gì? Tại sao quê quán lại là quê cha, mà không phải quê mẹ? Nếu đã thể hiện quê cha trên căn cước, có thể thêm quê mẹ không?", ông Nghĩa nêu ý kiến.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, thống nhất về "nơi sinh" hay là "nơi khai sinh". Bởi theo ông, một người có thể sinh ở bệnh viện (thuộc tỉnh này), nhưng sẽ khai sinh ở tỉnh khác, do đó cần thống nhất.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng đề nghị ban soạn thảo khi cần xem xét thể hiện cả quê cha (tức quê nội) và quê mẹ (tức quê ngoại) trên thẻ căn cước. Ông Ngân cho biết, hầu hết chúng ta, quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với mỗi người từ tuổi thơ.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc xác định quê quán cũng chưa rõ ràng.
"Quê quán nói xác định theo quê của cha. Quê của cha thì lại xác định theo quê của ông nội. Nếu cứ như vậy thì tất cả cuối cùng sẽ quê ở Phú Thọ hết, bởi đây là đất Tổ. Như vậy, xác định thế nào, người dân khai thế nào cần phải làm rõ", ông Lâm nói.
Cũng góp ý về Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho biết, ông đồng tình việc không thể hiện nội dung quê quán trên thẻ căn cước và cần thể hiện nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh trên căn cước. Bởi nơi sinh gắn với gốc tích của một công dân.
Việc ghi thông tin nơi sinh có cơ sở khoa học hơn việc nhận diện công dân và giúp việc hạn chế trùng lặp trường thông tin của công dân, bảo đảm sự thống nhất, tương thích giữa các loại giấy tờ tùy thân hiện nay của công dân là thẻ căn cước và hộ chiếu.
Nhiều thuận lợi khi cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
Đối với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Minh đề nghị quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ, người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước, tránh lộ lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.
Đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng.
Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được.
Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin tốt hơn, đại biểu Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.