Nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc sắc trong lễ hội thờ Mẫu năm 2025 tại Phủ Dầy và Phủ Quảng Cung

Trong khuôn khổ chương trình lễ hội Phủ Dầy năm 2025, điều kiện thời tiết tốt nên các hoạt động nghi lễ và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc trong ngày 2/4 (tức mùng 5/3 âm lịch) theo truyền thống tại Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã diễn ra sôi nổi.

Phủ Vân Cát tổ chức nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

Phủ Vân Cát tổ chức nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

Trọng tâm là lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát lên Chùa Báng (Linh Sơn tự) - nghi lễ thiêng thể hiện sự dung hòa giữa tín ngưỡng (Đạo Mẫu) và tôn giáo (Đạo Phật). Đoàn rước khởi hành từ Phủ Vân Cát, đi đầu là đội múa lân - sư - rồng, trống hội; tiếp đến là các cụ cao niên mặc áo nâu sòng, tay cầm cành phan, tay lần tràng hạt, vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật. Tiếp theo sau là đội cờ hội, đội kèn, trống, phường bát âm, các thanh đồng, đạo quan, đội chấp kích, bát biểu, kiệu Bát cống, kiệu Long đình, kiệu Võng. Sau cùng là kiệu Mẫu cùng đoàn gậy trượng, các con nhang, đệ tử bản hội và đông đảo người dân, du khách. Với lộ trình rước hơn 3km qua nhiều đền, phủ trong Quần thể di tích Phủ Dầy, lễ rước Mẫu thỉnh kinh diễn ra trong không khí náo nhiệt của cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Đông đảo người dân tham dự lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương.

Đông đảo người dân tham dự lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương.

Tối cùng ngày, tại Phủ Tiên Hương diễn ra nghi lễ rước đuốc đăng long. Mở đầu nghi lễ rước đuốc là màn trống hội, múa lân. Các thanh đồng, đạo quan, đồng đền, thủ nhang thành tâm xin ngọn lửa thiêng từ trong cung cấm, rước ra ngoài tiếp lửa cho hơn 1.000 ngọn đuốc. Dẫn đầu đoàn rước là đội múa lân - sư - rồng biểu diễn trong nhịp trống hội rộn ràng, náo nhiệt. Tiếp đến là các xe ghép kiệu rồng được thắp đèn sáng rực rỡ. Theo sau là đoàn người trong trang phục quần áo lính màu vàng, đầu chít khăn đỏ truyền thống, gồm cả nam và nữ, nhiều độ tuổi khác nhau, tay cầm những ngọn đuốc rực sáng. Đoàn rước đuốc xuất phát từ Phủ Tiên Hương đi qua các di tích: Lăng Mẫu, Chùa Tiên Hương, Phủ Công Đồng rồi quay trở về phủ. Những ngọn đuốc linh thiêng nối tiếp nhau thành hàng dài đã tạo nên khung cảnh trong đêm lễ hội lung linh, huyền ảo. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc đăng long Phủ Tiên Hương tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, đồng thời bày tỏ mong muốn của các thủ nhang, đồng đền, con nhang, đệ tử, người dân về một cuộc sống tươi sáng, ấm no và hạnh phúc.

Biểu diễn hát chèo trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

Biểu diễn hát chèo trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

 Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn tại Phương du Phủ Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn tại Phương du Phủ Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.

Trước đó, vào ngày 1/4 (tức mùng 4/3 âm lịch), tại Phương du Phủ Tiên Hương và Phương du Vân Cát đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn với 15 tiết mục đặc sắc của hàng chục cung văn, nhạc công trong và ngoài huyện tham dự. Những tiết mục hát Chầu văn như: Chầu Đệ Nhị Thượng ngàn, Chầu Lục Cung nương, Chầu Bé, Chầu Bé Thượng, Quan lớn Tam phủ, Quan lớn Đệ tam, Chúa Đông Cuông, Chúa Thác Bờ… được các cung văn thể hiện chuyên nghiệp qua lối hát Văn với kỹ thuật nẩy hạt, làn điệu mộc mạc, giản dị, mang đậm hơi thở văn hóa dân gian, khiến người nghe cảm nhận được nét đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Liên hoan là dịp tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và nghệ thuật hát văn, hát Chầu văn.

Cùng trong dịp lễ hội "Tháng Ba giỗ Mẹ", tại xã Yên Đồng (Ý Yên), chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) năm 2025.

Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ rước Mẫu thỉnh Kinh trong Lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên).

Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ rước Mẫu thỉnh Kinh trong Lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên).

Lễ hội diễn ra từ ngày 29/3 đến ngày 7/4 (tức từ mùng 1 đến mùng 10/3 âm lịch) với các hoạt động tín ngưỡng: dâng hương, thực hành nghi lễ Chầu văn (hầu đồng), tế nam quan, tế nữ quan, thanh đồng tế Mẫu, thả đèn hoa đăng, lễ tạ; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như: trống hội, hát văn, hát chèo, múa lân - rồng… Đặc biệt, vào ngày chính hội (mùng 4/3 âm lịch) tổ chức lễ rước Mẫu thỉnh kinh, rước Nước. Kiệu Mẫu được rước từ Phủ Quảng Cung lên Chùa Đồi thỉnh kinh Phật rồi qua Phủ Thủy sông Đáy, đi qua các đền, đình, chùa tại địa phương rồi quay trở về phủ đóng giá. Đoàn rước dài hơn 1km gồm các đội: múa lân - rồng, trống, hồng kỳ, biểu tượng, kiệu hoa, kiệu lễ, kiệu Thần, bát biểu, bát âm, tế nam, nữ quan, kiệu Long đình, kiệu Võng, kiệu Mẫu cùng các con nhang, đệ tử, thanh đồng, đạo quan, người dân địa phương và du khách thập phương./.

Tin, ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/dac-sac-sinh-hoat-van-hoa-tin-nguong-dan-gian-trong-le-hoi-phu-day-nam-2025-cc7186e/