Đà Nẵng: Nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kỳ vọng
6 tháng đầu năm 2019, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Đà Nẵng như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), chỉ số phát triển công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ... có dấu hiệu suy giảm và đạt khá thấp so với kế hoạch.
Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng diễn ra vào hôm nay (3/7), tổng kết tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm.
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội của Đà Nẵng cơ bản phát triển ổn định, thu hút đầu tư đạt kết quả khởi sắc, thu ngân sách đạt khá. Các công trình trọng điểm được chỉ đạo quyết liệt; giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm trước; khởi công, khánh thành nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng.
Du lịch vẫn là điểm sáng với lượng khách du lịch ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 15,1%; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt gần 15.000 tỷ đồng, bằng 54,7% kế hoạch, tăng 15,1%. Đà Nẵng được Tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn thứ 15 trong 52 điểm đến năm 2019. Sân bay quốc tế Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về chất lượng dịch vụ hàng không.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có dấu hiệu suy giảm và đạt khá thấp so với kế hoạch. Trong đó tăng trưởng GRDP đạt 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ, xếp vị trí thứ 3 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng không đạt được như kỳ vọng: Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 4%, thấp hơn kế hoạch là tăng 7,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bằng 47,7% kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 2,1%, thấp hơn kế hoạch là tăng 6,3%.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh lý giải, nguyên nhân khiến các chỉ tiêu kinh tế chững lại do một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ trọng đóng góp cao có dấu hiệu chững lại và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất; một số ngành công nghiệp chủ lực, quan trọng có giá trị sản xuất giảm và tăng thấp đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp Thành phố.
Bên cạnh đó, một số điểm mạnh của Đà Nẵng cũng mất lợi thế như xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quản trị hành chính công tụt giảm so với các năm trước. Tiến độ triển khai một số công trình, dự án tuy có chuyển biến nhưng còn chậm, nhất là đối với các dự án cấp bách về cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải...; việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, công tác giải tỏa đền bù, tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản...
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phấn đấu hoàn thành toàn diện và cao nhất đối với các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, nhất là đối với các chỉ tiêu GRDP, chỉ số phát triển công nghiệp, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội... Tích cực đôn đốc công tác thu ngân sách, các giải pháp chống thất thu, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư tại Tọa đàm mùa xuân 2019 và một số dự án của các chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố.
”Chúng ta cần triển khai hiệu quả Đề án quản lý liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung thành phố. Công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục, công khai quỹ đất để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận, đề xuất đầu tư dự án theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nghiên cứu xây dựng thí điểm áp dụng chính sách xã hội hóa đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào các dự án giáo dục, y tế tiêu chuẩn quốc tế”, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh về công tác đẩy mạnh thu hút đầu tư.