Đá hay đó chơ!
Dự khán trận cầu đầu tiên trên sân Tự Do mùa giải mới, CLB Huế gặp CLB Phù Đổng Ninh Bình, tôi nghe nhiều lời khen từ khán giả Huế, vốn khá kiệm lời. Chứng kiến bàn thắng đẹp mắt mở tỷ số của 'Voi rừng' Hồ Thanh Minh, chạy cắt mặt cầu thủ đối phương để đánh đầu ở góc hẹp từ quả từ quả đá phạt góc bên cánh trái vào phút 63 của trận đấu, nhiều khán giả cạnh tôi không dấu được cảm xúc: Đá hay đó chơ!
Sau trận đấu, một tờ báo trung ương gợi ý, lối chơi xông xáo, nhanh nhẹn và tốc độ của “Voi rừng” Hồ Thanh Minh rất cần được những nhà tuyển trạch đội tuyển Việt Nam chú ý và nếu được nên cho anh thêm cơ hội để khẳng định. Nhất là khi những trận ở đợt FIFA Days vừa qua, đội tuyển gần như đá mà không có tiền đạo vì thiếu người càn lướt và làm tường giỏi thì Hồ Thanh Minh chính là gợi ý đáng được quan tâm.
Trong khi đó, trên facebook, cầu thủ người Tà Ôi chia sẻ, rằng rất vui khi ghi được 2 bàn thắng, góp một phần vào công sức để giúp CLB tạm giảm bớt áp lực, căng thẳng khi có chiến thắng đầu tiên ở mùa giải mới. Giải đấu chỉ mới 2 vòng, vẫn còn cả một hành trình dài đầy căng thẳng phía trước. Năm nay, Huế (tuổi trung bình 21,9) nằm trong top 2 đội trẻ nhất giải đấu nên sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh nghiệm trận mạc.
Xem trận cầu CLB Huế thắng đẹp Phù Đổng Ninh Bình, được đầu tư mạnh đang mơ lọt vào top 3 mùa giải hạng Nhất năm nay, mới thấy tuy là đội hình trẻ nhưng đúng là Hồ Thanh Minh và đồng đội “đá hay đó chơ”. Pha bóng đầy tài năng của Hoàng Quang Dũng, một trong 6 cầu thủ của đội U19 được đôn lên đội một ở mùa giải 2023 - 2024, thực hiện động tác “xoay compa” trước 2 cầu thủ của đội bạn, rồi chọc khe cho “đàn anh” Trần Thành xâm nhập vòng cấm khiến bao người xem phấn khích.
Theo dõi đội bóng Huế gần đây tôi thấy, so với Hà Tĩnh, Quảng Nam hay nhiều đội bóng các địa phương khác, nguồn cầu thủ tại chỗ, cả về số lượng và chất lượng của CLB Huế không hề thua kém. Ví như đội hình năm nay chỉ “thả” vào vài “anh Tây” và dăm ba cầu thủ già dặn kinh nghiệm là có thể “gồng” ở V. League. Không đặt mục tiêu lên V. League nên nhiều cầu thủ “ngó đá được” đành phải cho đi để bổ sung bằng lớp trẻ hay đón những gương mặt cũ trở lại đội bóng “dưỡng già”.
Nỗi đau của bóng đá Huế lâu nay vẫn là kinh phí. Sống bằng tiền ngân sách nhà nước nên khó có mơ xa. Thử làm bài tính, mỗi năm trung bình mỗi CLB tại
V. League cần tối thiểu 50 tỷ đồng. Khoản thu từ bản quyền truyền hình chưa rõ ràng và chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức từ Liên đoàn cũng như VPF. Các khoản thu khác chưa đến 10% (vé, tài trợ, thương mại) nên khó mà cân đối nổi. Lấy tiền mô ra? Sống dựa vào “bầu sữa” của “bầu” cũng khiến cho nhiều CLB thường bị đặt trong tình trạng bấp bênh, lắm khi phải “bỏ giải” như chơi.
Là một khán giả khá thường xuyên có mặt trên các khán đài sân vận động Tự Do, tôi vẫn thích thú nghe khán giả Huế “chửi”. Nghe nhiều thành “nghiện”, họ chửi cũng khá “tục” nhưng chất phác, đầy cảm thông. Nhớ hồi mấy mươi năm trước lứa cầu thủ cùng thời HLV Nguyễn Đức Dũng còn xỏ giày ra sân, đá dở và lỡ thua, mấy ông ngồi trên sân chửi “cứ như thiệt”, rằng “ngu quá, nuôi uổng cơm, lo về mà đi chự trâu…”. Có lần nghe “chửi”, tôi nhìn qua thấy ông mặt “tỉnh rụi” và hiền khô. Giờ ít nghe “chửi” mà thay vào đó là những lời động viên, nghe thân thương, kiểu như “đá hay đó chơ!”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/da-hay-do-cho-134495.html