Cứu người trong lũ
Lũ dữ ập về, tiếng kêu cứu khắp nơi, trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy đã xuất hiện những cá nhân, những nhóm người bất chấp nguy hiểm lao ra giữa dòng nước lũ để cứu người, cưu mang những phận người trong lũ.
Khi thuyền bơ nan cứu hộ
Người dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) có lẽ không bao giờ quên được nghĩa cử cao đẹp của người dân xã Hải Ninh, một xã biển bãi ngang thuộc huyện Quảng Ninh. Sáng 19/10, biết tin nhiều người vẫn đang mắc kẹt trong lũ cần cứu giúp mà lực lượng cứu hộ của chính quyền thì quá mỏng, người dân xã Hải Ninh đã huy động 15 thuyền bơ nan (một loại thuyền dùng đánh bắt cá gần bờ của người dân miền biển), thuê xe ô tô chở hơn 10km, hạ thủy đi cứu dân ở các xã ngập sâu của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Ông Nguyễn Văn Truyền, chủ tàu kiêm thợ máy lao vào dòng nước lũ, nói: “Cả đời thuyền ngư dân không bao giờ vào vùng ruộng, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời. Tuy thuyền bơ nan đánh lộng gần bờ, ra biển thì nhỏ bé nhưng chạy trong lũ nó lại rất cơ động, ca nô, bo bo cứu hộ không bì kịp”.
Thuyền ông Truyền còn có thêm cụ Phạm Vi cầm lái, Nguyễn Chương cầm chầm, đứa cháu là Nguyễn Nhất đứng mũi, và cụ Hoàng Văn Thiện dò đường con nước. Khi vừa chở một đoàn người được cứu từ xã Hiền Ninh về, cả nhóm nghỉ 30 phút ăn trưa rồi đi tiếp. Ông Chương kể: Chuyến đi rất nhanh, thuyền lao ra hướng về rốn lũ thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh), cuối thôn có 7 người cần cứu giúp. Tiếp cận hiện trường, sóng đánh bay nhiều nhà dân ở xóm dưới của thôn, cập thuyền vào căn nhà lũ ngập áp mái. Ông Chương cầm con dao lên dỡ ngói và cắt rui mèn để đưa người ra. Tại đây ông cứu được 3 người trong một gia đình nước sắp dâng lên ngập tận nóc.
Vừa quay ra thì xóm phía ngoài phá Hạc Hải có tiếng kêu thất thanh kêu cứu. Ông Chương bẻ lái, 4 con người co ro trên chiếc thuyền nhỏ trong ngôi nhà mà nước sắp chạm mái. Họ được nhóm ông Chương cung cấp bánh, áo ấm, nước lọc và đưa về nơi an toàn. Ông Chương nói: “Bánh thì chị em phụ nữ Hải Ninh góp tiền lại mua, còn thuyền thì có sẵn, cánh đàn ông, con trai chỉ bỏ sức mà thôi”.
Cứ thế, thuyền của ông Chương cả ngày vật lộn với lũ dữ cứu được hàng trăm con người đang cận kề nguy hiểm. Chân vịt của thuyền gặp vật cản gãy liên tục, nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ trước, nên mỗi lần như vậy, ông Chương thả neo và lặn xuống, ngâm mình trong nước lũ để thay. Ông cười hồn hậu: “Mình lặn nước biển mặn quen rồi, lặn gặp nước ngọt không quen, sốc lên mũi rất khó chịu. Nhưng không sao, vì việc nghĩa thì sá gì”.
Chị Bùi Thị Huyền, người được thuyền ông Chương cứu nói như mếu: “Đêm qua gọi cứu hộ không được, nước lên sầm sập, được mấy tấn lúa vừa gặt, nhưng giờ nước lút mái, mất trắng”. Còn anh Phan Hồng Phong thì không ngớt lời cảm ơn. Anh kể: “ Tôi về quê làm giỗ bố, cả mấy dì cháu làm ăn ở Lâm Đồng, lập nghiệp trong đó. Vậy mà mắc lũ 3 trận mất hơn 10 ngày. Trận này là trận kinh hoàng nhất mà tôi từng chứng kiến. Nhà tôi giờ sập rồi nhưng phải đi nhờ thuyền ra đã, lúc nào lũ rút thì về dọn lại, chứ bám trụ 2 ngày không có gì ăn ngoài mì tôm sống. Bác Chương đã cứu cả gia đình tôi ”.
Vị bác sỹ vì dân
Ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nhiều người kính phục bác sỹ Phan Văn Thọ, người luôn hết mình vì người bệnh. Ông làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Dinh Mười (Quảng Ninh), nhưng mỗi khi về nhà, bất cứ lúc nào, trong làng, trong xã có người đau ốm nhờ đến, ông đều có mặt.
Đặc biệt, trong mỗi lần lũ lụt ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông luôn là nơi tá tục cho những người dân nghèo trong xã. Trong 10 ngày qua, với 3 trận lũ, nhà ông thành nơi tá túc cho gần 40 con người, nên lương thực mà gia đình ông chuẩn bị gần như cạn kiệt. Trong trận lũ thứ 3 này, ngôi nhà ngập tầng 1 nên mọi người lên tầng 2 trú ẩn. Cả gia đình ông cũng chen chúc với những người dân gặp nạn.
Ông Thọ chia sẻ: “Nhiều người khuyên tôi về Dinh Mười ( vùng đất cao ở địa phương) mua đất làm nhà để tránh lụt, nhưng tôi nhất quyết không theo. Sinh ra và lớn lên ở vùng lũ, tôi rất hiểu những khó khăn mà người dân vùng lũ phải gánh chịu. Làng xã còn nghèo, mình được ăn học, có công việc nên kinh tế khá hơn thì cần phải giúp dân làng. Nếu để ở thì tui cũng không gắng làm nhà 2 tầng, nhưng vì lũ lụt, vì những người dân nghèo nên tôi phải gắng. Chú xem, cả xóm này ngập hết, không có nhà tôi thì những con người này sẽ thế nào?”.
Ông Thọ nói, hiện nước còn rất cao không thể ra ngoài mua lương thực thực phẩm được, mà nguồn dự trữ hết, gần 40 người dân đến tránh lũ ở đây nên gia đình ông và mọi người cũng rơi vào cảnh khó khăn. Nếu có nhóm cứu trợ nào đi qua thì xin ghé lại giúp cho ít lương thực, nước uống để chống chọi chờ khi lũ rút.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cuu-nguoi-trong-lu-1738319.tpo