Cựu chiến binh Giàng Mí Páo nêu gương

Thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bà con nơi đây không chỉ sản xuất lúa hiệu quả mà còn có nhiều phương thức phát triển lâm nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nói về những thay đổi của quê hương hôm nay, đảng viên, cựu chiến binh Giàng Mí Páo kể lại hành trình đầy gian nan khi vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Giàng Mí Páo sinh năm 1944, từng có thời gian 6 năm công tác trong Quân đội và được kết nạp Đảng khi tại ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông được nhân dân tín nhiệm cử làm cán bộ thôn. Theo ông Páo, đầu thập niên 1980, cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Đất đai chủ yếu là đồi núi trọc, lau sậy, bạc màu; diện tích đất canh tác không nhiều, cả thôn chỉ có khoảng 2ha đất cấy lúa một vụ. Đã thế, phương tiện sản xuất lạc hậu, người dân thiếu giống, thiếu vốn, thiếu kiến thức nên có thời điểm, bà con thiếu đói kéo dài từ 4 đến 6 tháng/năm.

Khi ấy, ông Páo là đảng viên duy nhất trong thôn, vừa là cựu chiến binh đã trải qua chiến đấu nên ông rất trăn trở trước những vất vả của bà con. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là phải làm cách nào để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân một cách hiệu quả bền vững? Sau nhiều đêm suy nghĩ, tìm hiểu, học tập cách thức làm ăn của nhiều địa phương, ông Páo bàn bạc và cùng 10 anh em trong gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai phá đất ruộng trồng lúa, trồng thêm một số loại cây hoa màu, cây ăn quả như cam, quýt, chanh...

Ông Giàng Mí Páo (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa mới.

Ông Giàng Mí Páo (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa mới.

Chỉ vài năm sau, cuộc sống của gia đình ông Páo và một số hộ gia đình người thân đã đủ ăn, không còn bị thiếu đói. Nhận thấy hiệu quả từ cách làm của ông Páo, người dân thôn Suối Đồng đã cùng với trưởng thôn Giàng Mí Páo quyết tâm bám đất, bám bản, bảo nhau chăm chỉ làm ăn và tạo thành phong trào xóa đói, giảm nghèo sôi nổi trong toàn thôn. Bà con ban ngày thì đi làm, buổi tối cùng nhau ngồi lại bàn cách làm ăn... Riêng gia đình ông Páo đã nhanh chóng hình thành được mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng... mang lại thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/năm.

Ông Páo trăn trở, gia đình mình khấm khá lên thì vẫn chưa đủ, mà phải bằng mọi cách giúp đỡ bà con xóm giềng cùng làm giàu. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đứng ra vay ngân hàng cả trăm triệu đồng, vừa phục vụ cho gia đình vừa cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ uy tín của người đảng viên, cựu chiến binh, ông còn xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm thôn bản, vận động người dân gửi tiền tiết kiệm để cho những hộ cần vốn đầu tư canh tác, nuôi trồng. Nhận thấy hàng hóa nông sản trong thôn rất khó tiêu thụ do đường sá đi lại khó khăn, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Páo đã vận động nhân dân tự làm 1,5km đường và đề nghị huyện hỗ trợ xây dựng cầu treo bắc qua con suối lớn vào thôn Suối Đồng.

Giờ đây, chất lượng cuộc sống của bà con trong thôn đã thay đổi rất nhiều, số hộ có mức sống khá và giàu tăng nhanh. Cơ sở hạ tầng của thôn như: Hội trường, hệ thống điện, đường, trường, trạm không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con trong thôn. Toàn thôn lúc đầu chỉ có một đảng viên, nay đã phát triển thành một chi bộ... Thành quả đó có đóng góp không nhỏ của đảng viên, cựu chiến binh Giàng Mí Páo.

Bài và ảnh: VŨ ĐĂNG BÚT

Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cuu-chien-binh-giang-mi-pao-neu-guong-742676