Cuộc thi 'Tự hào hàng Việt': Gánh mì Quảng của mẹ

Dường như với những người Quảng xa quê, nỗi nhớ quê và những hồi ức tuổi thơ đọng lại rất cụ thể qua tô mì Quảng.

Mỗi vùng miền có văn hóa, phong tục và quan niệm ẩm thực khác nhau. Điểm chung là dù món đó có làm bằng nguyên vật liệu nào, tên dễ nhớ hay lạ tai, có là người bản địa hay du khách thì đều là món ăn Việt, tôn vinh giá trị Việt. Thế nên người Quảng Nam khi nhắc đến đại diện ẩm thực sẽ nhớ mặt đặt tên ngay "mì Quảng".

Mỗi lần đón bạn bè, đồng nghiệp là dân Quảng Nam xa quê về lại, câu đầu tiên sau cái bắt tay chào hỏi là: "Đi mô tìm tô mì Quảng ăn hè". Dường như với những người Quảng xa quê, nỗi nhớ quê và những hồi ức tuổi thơ đọng lại rất cụ thể qua tô mì Quảng.

Dân Quảng gốc chỉ gọi một từ là mì. Danh xưng mì Quảng chỉ xuất hiện khi dân Quảng trên đường vào Nam làm ăn, đem theo món ăn truyền thống của quê mình, gọi tên mì Quảng để phân biệt với các loại mì xíu, mì hoành thánh, mì xào giòn... của người Hoa.

Quê ngoại tôi ở làng Phú Chiêm, vốn được gọi là xứ mì Quảng vì hầu hết đàn bà, con gái ở đây đều nấu mì rất ngon và lấy gánh mì làm kế sinh nhai. Cứ sáng sớm, hàng chục gánh mì theo chân các bà, các chị kẽo kẹt ra khỏi lũy tre làng, tỏa về các hướng Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng... đem cái ngon của sợi mì tráng bằng gạo quê được thoa một lớp dầu phụng khử với củ nén thơm lừng, cái ngọt đậm đà của nồi nước nhân nấu bằng tôm tươi với thịt heo ba chỉ, mùi thơm của mớ rau sống quyện với vị ngọt của bắp chuối sứ mới hái từ vườn..., đến với phố phường nhộn nhịp.

Tất cả cái ngon của sản vật đất đai, sông hồ như gom hết vào một tô mì. Những gánh mì Phú Chiêm thường bán buổi sáng là hình ảnh đẹp đến nao lòng trong lòng con dân đất Quảng. Gánh mì (mẹ tôi hay nói là "ghành mì") của ngoại lúc nào cũng đắt khách, hết sớm, khéo tằn tiện cũng đủ chi tiêu.

Khi cha mẹ tôi bôn ba vào Nam lập nghiệp, thì "ghành" mì Quảng của mẹ là những ký ức không bao giờ phai nhòa trong tôi.

Trước mỗi ngày đúc mì, mẹ chọn những con gà lớn nhất, nhốt trong chuồng sắt sau nhà để ba nấu nước, nhổ lông, làm thịt.

Mấy anh chị em tôi thì chọn lựa rau sống tươi xanh gồm bắp chuối, xà lách, tần ô, ngò, cải non, ớt xanh ở chợ và lượm lặt thêm trong vườn nhà cho có lợi nhuận, lại sạch sẽ.

Những bát mì vừa mới đúc, vừa dẻo vừa thơm lại thêm chiếc bánh tráng nướng vàng rụm, đi kèm chén nước mắm Nam Ô thượng hạng dầm ớt xanh… Khi dọn ra, nhìn tô mì nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương ngào ngạt, thật là tròn vị, trông phát thèm, khiến ai cũng muốn được thưởng thức ngay.

Gánh mì Quảng và sự tảo tần của mẹ đã nuôi chúng tôi nên người và là những ký ức không thể nhạt phai trong tôi.

Lê Nữ Ngọc Cương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-hao-hang-viet/cuoc-thi-tu-hao-hang-viet-ganh-mi-quang-cua-me-20230830102330878.htm