Cuộc 'so găng' cuối cùng của Trump - Biden

Sáng 23-10 (giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse.

Sáng 23-10 (giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse.

Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận tối 22-10. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận tối 22-10. Ảnh: AP

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên hơn 1 tháng trước được mô tả là “hỗn loạn” khi hai nhân vật chính liên tục to tiếng và ngắt lời nhau, màn “so găng” cuối cùng của hai ứng cử viên lần này diễn ra thực chất hơn và bao phủ nhiều vấn đề hơn, cho phép cử tri Mỹ có cái nhìn rõ hơn về cả hai ứng viên. Hai ứng cử viên đã điềm tĩnh trả lời các câu hỏi, tập trung về những vấn đề quốc gia đại sự, gắn liền với chính sách đối nội như đại dịch Covid-19, vấn đề sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế hay an ninh quốc gia. Hai đối thủ cũng đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt trong từng vấn đề.

Áp lực đã đặt lên vai ông Trump, bởi đến với “vòng quyết đấu” lần này, các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng cử viên Biden vẫn duy trì ưu thế so với Tổng thống Trump. Cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac thực hiện và công bố ngày 22-10 cho thấy cách biệt giữa ông Biden và ông Trump là 10% với tỷ lệ ủng hộ 51%/41%. Còn theo khảo sát của RealClearPolitics, đến nay ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump hơn 8% trên phạm vi toàn quốc. Trong bối cảnh đã có khoảng 48,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, chiếm 34,5% tổng số cử tri đã đi bầu trong cả cuộc bầu cử năm 2016, cả hai ứng cử viên đều xem cuộc tranh luận cuối cùng là cơ hội then chốt để thuyết phục các cử tri còn do dự.

Covid-19 lại thống trị cuộc tranh luận

Chủ đề đầu tiên mà đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tranh luận là đại dịch Covid-19.

Cả hai ứng cử viên đều được yêu cầu giải thích cách họ có thể ngăn chặn sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 mà cả nước đang gặp ở phần lớn các bang. Một phân tích của CNN cho thấy 42 bang đã chứng kiến số ca Covid-19 tăng hơn 5% trong hai tuần qua, một dấu hiệu cho thấy căn bệnh này đang lan rộng như thế nào.

Ông Trump một lần nữa đổ lỗi cho Trung Quốc về việc gây ra đại dịch và đưa ra lời biện hộ về việc xử lý đại dịch của mình. Mặc dù Mỹ đang ở trong làn sóng chết chóc thứ hai, ông Trump vẫn đưa ra một giọng điệu lạc quan, tuyên bố Mỹ đang “làm tốt bước ngoặt”. “Chúng tôi đang xử lý. Nó sẽ biến mất”, Tổng thống nói.

Hai ứng viên đã đưa ra những quan điểm khác nhau rõ ràng về những tháng sắp tới, thời điểm mà các ca nhiễm Covid-19 sẽ gia tăng ở hơn 30 bang. Ông Biden cảnh báo rằng Mỹ sẽ có một “mùa đông đen tối” do virus bắt đầu hoành hành ngoài tầm kiểm soát. Ông Biden cũng viện dẫn số liệu cho thấy đã có khoảng 220.000 người Mỹ tử vong do Covid19, phản ánh cách thức xử lý dịch bệnh không hiệu quả của chính quyền. Ông Trump đã bác bỏ quan điểm này: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có một mùa đông đen tối”.

Đương kim Tổng thống cũng xoáy vào việc ứng cử viên Biden ủng hộ các bang đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh, cho rằng điều này gây tổn hại cho cuộc sống của người dân. Ông khẳng định không thể coi việc đóng cửa đất nước giống như việc ông Biden tự “nhốt mình” trong tầng hầm, đồng thời lập luận ngay cả khi ông Biden khẳng định ủng hộ việc tuân thủ các tiêu chuẩn để mở cửa hoặc áp dụng các hạn chế mới thì các thống đốc bang đảng Dân chủ vẫn duy trì tình trạng đóng cửa quá mức. Theo Tổng thống Trump, trọng tâm của giải pháp là nên tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là người cao tuổi.

Người điều phối chương trình tranh luận Kristen Welker đã đề cập tới tuyên bố của ông Trump về việc Mỹ sẽ có vaccine phòng Covid-19 “trong vài tuần tới” và đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự đảm bảo về thời điểm ra mắt vaccine hay không. Tổng thống Trump cho biết “đó không phải là một sự đảm bảo, nhưng tôi nghĩ sẽ có vaccine vào cuối năm nay”.

Về phần mình, Biden chỉ trích mạnh mẽ việc cách ông Trump xử lý đại dịch, cho biết mỗi ngày có khoảng 1.000 người tử vong. Ông Biden đã thực hiện đúng chiến lược mà các nhà quan sát đưa ra trước cuộc bầu cử, đó là nêu bật sự tương phản trong cách thức xử lý đại dịch giữa ông và Tổng thống Trump, theo đó ông sẽ tập trung vào việc thúc đẩy người dân đeo khẩu trang và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh hơn. Ông nêu rõ: “Tôi sẽ “cấm cửa” virus chứ không đóng cửa đất nước”. Ông Biden cũng khẳng định sẽ đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia để có thể mở cửa các trường học và giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại một cách an toàn, đồng thời cung cấp cho họ nguồn lực tài chính.

Ông Biden tập trung vào những gì ông Trump đã tuyên bố hồi tháng 3 rằng ông sẽ “không chịu trách nhiệm” về tốc độ chậm chạp trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. “Bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm về nhiều cái chết như vậy không nên tiếp tục làm Tổng thống Mỹ nữa”, ông Biden nói. “Tôi sẽ lo việc này, tôi sẽ kết thúc việc này, tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có một kế hoạch”, ông Biden nói thêm.

Công kích cá nhân

Không khí cuộc tranh luận nóng lên khi hai ứng cử viên tranh luận về vấn đề tài chính cá nhân. Tổng thống Trump cho rằng ông Biden đã làm giàu từ những lợi thế trước đây của mình khi giữ chức vụ cao trong chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden đã lưu ý rằng ông đã công bố hồ sơ thuế trong hơn hai thập kỷ và không có bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định trên của ông Trump. Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng khẳng định chưa nhận bất kỳ nguồn tiền nào từ nước ngoài, đồng thời thách thức Tổng thống Trump công khai hồ sơ thuế.

Ông Biden cũng phủ nhận những cáo buộc sai trái đối với con trai ông là Hunter Biden trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của mình, chỉ ra rằng thủ tục luận tội của ông Trump “không cho thấy ông Hunter Biden đã làm gì sai ở Ukraine”. “Kẻ gặp rắc rối ở Ukraine là người này”, ông Biden nói và chỉ vào ông Trump, “cố gắng hối lộ chính phủ Ukraine để nói những gì tiêu cực về tôi, điều mà họ sẽ không làm”. “Tôi không lấy một xu từ bất kỳ chính phủ nước ngoài nào”, ông Biden nói.

An ninh quốc gia

Cuộc trao đổi chuyển sang phần an ninh quốc gia, trong đó ông Trump tuyên bố đã ngăn chặn chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên, mặc dù điều mà ông gọi là “mối tình” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã không đảm bảo được bất kỳ sự cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nào của Bình Nhưỡng. “Họ để lại cho chúng tôi một mớ hỗn độn”, ông Trump nói, đề cập đến ông Biden và cựu Tổng thống Barack Obama. Trong khi đó, cựu phó tổng thống cho biết ông sẽ buộc Trung Quốc phải kiềm chế Triều Tiên.

Liên quan tới vấn đề chăm sóc y tế, ông Trump bày tỏ hy vọng Tòa án Tối cao sẽ hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare. Về phần mình, ông Biden cho biết nếu đắc cử tổng thống, ông ủng hộ Obamacare cùng với quyền được lựa chọn của người dân, gọi kế hoạch của ông là “Bidencare”. Ứng cử viên đảng Dân chủ cũng nhấn mạnh ông ủng hộ bảo hiểm tư nhân, nêu rõ “chăm sóc sức khỏe không phải là đặc quyền, đó là quyền. Mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe hợp lý”.

AN BÌNH

ĐÁNH GIÁ CỦA CHUYÊN GIA

Đánh giá về sự kiện này, Giáo sư James Borton, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Ngoại giao khoa học thuộc Đại học Tuft (Mỹ) cho rằng hai chính khách đã bộc lộ những thế mạnh và điểm yếu của mình cùng quan điểm rõ ràng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định “màn so găng” này sẽ không tác động nhiều tới quyết định của các cử tri.

Giáo sư Borton cho rằng cuộc tranh luận này, Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ điềm tĩnh hơn, trong khi ông Biden không phản ứng nhanh như cần thiết trong một số vấn đề. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không thể tung ra một cú “knock-out” và không thúc đẩy được chương trình nghị sự chính trị của mình. Điểm nhấn của Tổng thống Trump là xoáy vào các mục tiêu dang dở của đối thủ Biden trong 8 năm trên cương vị “phó tướng” của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Barack Obama.

Với từng chủ đề, giáo sư Bolton đánh giá mức D cho Tổng thống Trump và B- cho ông Biden trong vấn đề xử lý đại dịch Covid-19; lần lượt các mức C và B- trong vấn đề an ninh quốc gia. Với chủ đề về gia đình và nền kinh tế Mỹ, theo giáo sư Borton, cựu Phó Tổng thống Biden xứng đáng nhận được mức đánh giá A-, trong khi Tổng thống Trump đạt mức C.

Liên quan tới chính sách nhập cư, giáo sư Borton nhận định Tổng thống Trump không cho thấy sự đồng cảm để tạo kết nối với các gia đình người nhập cư. Ông đánh giá Tổng thống Trump ở mức C+ và ông Biden đạt mức B. Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, giáo sư dành mức B- cho ông Biden và mức C cho Tổng thống Trump.

Đánh giá tổng quan, giáo sư Borton cho rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng này sẽ không làm thay đổi lựa chọn trên lá phiếu của cử tri Mỹ hôm 3-11 tới. Từ bây giờ tới giờ G, nhiều khả năng ứng cử viên Biden sẽ duy trì vị trí dẫn trước với cách biệt khoảng 10% so với Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận. Theo ông, cuộc bầu cử sắp tới có thể kết thúc với một kết quả sít sao và cũng không loại trừ kịch bản tên người đắc cử sẽ chỉ được công bố một tuần sau đó hoặc lâu hơn nữa.

B.N

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_233492_cuoc-so-gang-cuoi-cung-cua-trump-biden.aspx