Cuộc gặp Putin - Zelensky: Ukraine thấp thỏm, Nga 'ném đá dò đường'
Thượng đỉnh Normandy lần này là cơ hội để Tổng thống Putin tiếp cận ông Zelensky, thử thách quyết tâm của vị Tổng thống từng là diễn viên hài.
Trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội tại Washington đang nóng lên, với tâm điểm là những cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine mà phe Dân chủ Mỹ cho là đã có “sự trao đổi đen tối”, thì tại Ukraine, nhà lãnh đạo Zelensky đang tập trung vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền đông nước này, khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Normandy (nhóm Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine) tại Paris hôm nay (9/12). Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên trong 3 năm qua để thảo luận cách thức giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine. Tại đây, ông Zelensky sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên với Tổng thống Putin.
Ukraine rơi vào thế bất lợi
Giới quan sát cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh này khó có thể mang lại kết quả đột phá, không những vậy ông Zelensky còn gặp nhiều bất lợi khi phải đàm phán với một nhà lãnh đạo Nga cứng rắn và một Tổng thống Pháp đang tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow.
Mỹ, mặc dù không có ghế chính thức trong cuộc đàm phán theo định dạng Normandy nhưng luôn đóng vai trò quan trọng trọng phía sau hậu trường khi thúc đẩy sự phối hợp giữa các nhân vật chủ chốt. Tuy vậy, nhiều người lo ngại vai trò này ít nhiều sẽ bị suy giảm bởi việc từ chức của Kurt Volker – đặc phái viên Mỹ về Ukraine. Một số nhà ngoại giao liên quan, trong đó có ông Volker đã phải từ chức hoặc bị sa thải do kết quả của các phiên điều trần luận tội.
Chuyên gia Alina Polyakova thuộc Viện Brookings cho biết: “Nếu không nhờ Mỹ tập hợp tất cả các bên và đưa họ vào bàn đàm phán, cũng như đảm bảo rằng Pháp không đi chệch hướng thì Ukraine sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn”.
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5/2019, Tổng thống Zelensky đã cố gắng chứng minh ông luôn giữ lời hứa thúc đẩy trình hòa bình bằng các cam kết trao đổi tù nhân với Nga và đạt một thỏa thuận với phe đối lập tại khu vực miền đông về việc rút binh sỹ cùng khí tài quân sự khỏi các địa điểm then chốt dọc theo chiến tuyến.
Ngay cả khi ông đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng thì các cử tri vẫn coi chấm dứt chiến tranh là vấn đề mang tính quyết định đối với Zelensky. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9 do Viện Dân chủ Quốc gia của Mỹ tiến hành cho thấy, phần lớn người dân Ukraine (52%) xem việc giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine là vấn đề quốc gia quan trọng nhất.
Về phía Nga, Tổng thống Putin đã thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với nhà lãnh đạo mới của Ukraine nhưng một số chuyên gia cho rằng, ông Putin sẽ vẫn dè chừng. “Tổng thống Putin thực hiện những bước đi đó như một cách để Đức và Pháp thấy ông không phải không có khả năng đưa ra một số nhượng bộ nhỏ nhưng Moscow chắc chắn không từ bỏ bất cứ điều gì làm giảm đòn bẩy của mình với Kiev”, Alina Polyakova nhấn mạnh.
Một số nhân vật tại Ukraine tỏ ra bi quan về cuộc đàm phán Normandy lần này. “Không gì thay đổi được lập trường của Nga, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”, cựu Ngoại trưởng Ukraine Volodymyr Ogrysko cho biết.
Tổng thống Zelensky dù rất thực tế về những gì Hội nghị Thượng đỉnh Normandy có thể đạt được, nhưng trong video đăng tải trên trang cá nhân Facebook, ông vẫn khẳng định chính bản thân cuộc đàm phán đã là chiến thắng của Ukraine. “Một số người nói rằng tôi sẽ không thể có cuộc đối thoại với Tổng thống Putin, nhưng nếu không đối thoại thì chúng tôi như đang ở trên một chiếc máy chạy bộ, cứ đi về phía trước song không có tiến triển”, nhà lãnh đạo Ukraine nói trong đoạn video.
Bước vào Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lần này, ông Zelensky cùng đội ngũ thân cận cố gắng phá vỡ bế tắc lâu dài với Điện Kremlin, còn với Moscow, việc đạt được một thỏa thuận hòa bình đôi khi lại là điều bất lợi.
Nhà phân tích Alina Polyakova cho biết: “Bất cứ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào cũng được xem là nhượng bộ quá nhiều từ phía Tổng thống Putin và sẽ gây tác dụng ngược. Ông ấy sẽ cẩn trọng để đưa ra một thỏa thuận có thể ngăn chặn chiến tranh nhưng vẫn phải có lợi cho Nga”.
Thỏa thuận Minsk được ký cách đây 5 năm đã giúp kiềm chế đáng kể cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe đối lập. Song các bên liên tục cáo buộc nhau không thực hiện nghiêm túc những điều khoản nêu trong thỏa thuận, trong đó có điều khoản khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine đối với khu vực biên giới giữa nước này với Nga, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến và tiến hành bầu cử tại khu vực do phe đối lập kiểm soát. Tâm điểm của tranh cãi là điều khoản nào nên được ưu tiên, Ukraine cho rằng cần lấy lại quyền kiểm soát biên giới trước cuộc bầu cử, trong khi Nga khẳng định bầu cử nên là bước đầu tiên phải thực hiện.
Tiếp đến một thỏa thuận vào tháng 10/2019 về trao quyền tự trị một phần cho các khu vực do phe đối lập nắm giữ tại miền đông Ukraine đã làm dấy lên sự chỉ trích gay gắt từ công chúng. Hàng nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Kiev để tham gia cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2014. Đến tháng 11, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Zelensky đã giảm xuống 52% từ mức 73% trong tháng 9, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận từ Viện Xã hội học quốc tế ở Kiev.
Ông Putin nắm tất cả các con bài trong tay
Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lần này được coi là cơ hội để Tổng thống Putin đánh giá và tiếp cận ông Zelensky, thách thức quyết tâm của vị Tổng thống từng là diễn viên hài, trên bàn đàm phán. “Không có chỗ cho một giải pháp mà tất cả đều có lợi, một ai đó phải đầu hàng”, chuyên gia phân tích quan hệ đối ngoại của Nga, ông Vladimir Frolov nhận định, đồng thời cho rằng, "Tổng thống Putin đang giữ tất cả các lá bài sắp đưa ra trong cuộc gặp này”.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng có thể sử dụng hội nghị để gây sức ép với Ukraine, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga đối với phe đối lập Ukraine và làm giảm uy tín của Kiev trong mắt các đối tác phương Tây, Tatiana Stanovaya – học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.
“Moscow muốn chứng minh rằng Kiev không thể thực hiện các cam kết của nước này đối với thỏa thuận Minsk. Mục đích là để cho thấy Nga sẵn sàng tiến về phía trước và chính Ukraine mới là bên ngăn chặn mọi tiến triển”, học giả Stanovaya đanh giá.
Trong khi đó, cuộc điều tra luận tội Tổng thống liên quan đến cáo buộc ông Trump gây sức ép đối với Tổng thống Zelensky để điều tra đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử tại Mỹ cũng đang đặt Ukraine vào trung tâm “cuộc chiến chính trị” ngày càng khốc liệt giữa hai đảng phái ở Washington, làm suy yếu vị thế đàm phán của ông Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh Normandy.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng chính sách và sự hỗ trợ của nước này đối với Ukraine không thay đổi. Mỹ luôn ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 9/12 này. Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst lo ngại sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ dành cho Ukraine sẽ không còn nưa bởi những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ. Điều đó sẽ khiến Ukraine gặp bất lợi trên bàn đàm phán./.