Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 định đoạt xung đột Nga – Ukraine
Các cuộc bầu cử tổng thống thường không phải là yếu tố quan trọng quyết định kết quả các vấn đề đối ngoại. Nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã trở thành một vấn đề tác động đến cuộc bầu cử tổng thống.
Quan điểm của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa
Tổng thống Joe Biden khẳng định ông sẽ hỗ trợ Ukraine “đến chừng nào còn có thể”. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ kết thúc cuộc xung đột trong “một ngày nào đó” ngay khi trở lại Nhà Trắng.
Quan điểm trái ngược của hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2024 mang đến cho cử tri sự cái nhìn tương phản trong chính sách đối ngoại giữa các đảng lớn trong 20 năm qua, kể từ khi có cuộc tranh luận về Chiến tranh Iraq đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004, với chiến thắng thuộc về ông George W. Bush.
Nếu như xung đột ở Ukraine có thể sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, thì cuộc bầu cử năm 2024 cũng có thể là một yếu tố quyết định kết quả của cuộc xung đột.
Ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng sẽ quyết định sự ủng hộ của NATO dành cho chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky và giúp xác định mức độ hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine trong tương lai, nếu cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc trước ngày nhậm chức tổng thống vào năm 2025.
Viễn cảnh cuộc xung đột kéo dài đặt ra những thách thức chính trị đối với chính quyền Tổng thống Biden. Việc cuộc xung đột kết thúc một cách bất ngờ là điều khó có thể xảy ra. Ukraine đang tiến hành cuộc phản công lớn với sự hỗ trợ từ xe tăng phương Tây và các loại vũ khí khác, nhằm cắt đứt cây cầu nối đất liền Nga với Bán đảo Crimea. Ukraine đã đạt được một số bước tiến trong cuộc phản công, nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Phần lớn các nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột sẽ không sớm chấm dứt.
Tại thời điểm này, chiến lược dài hạn của Tổng thống Biden đối với Ukraine, giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ mà không triển khai quân đội Mỹ tham chiến hoặc gây ra một cuộc đối đầu lớn với Moscow, phụ thuộc vào việc ông tái đắc cử tổng thống.
Các cuộc thăm dò cho thấy, người Mỹ phần lớn tán thành chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Ukraine. Vào tháng 6, 62% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ việc Mỹ hỗ trợ Ukraine giành lại lãnh thổ. Nhưng cuộc thăm dò tương tự cho thấy, trong số những người thuộc là đảng Cộng hòa, 49% cho biết họ muốn Mỹ theo đuổi chính sách “chấm dứt xung đột ở Ukraine càng nhanh càng tốt”.
Nhiều cử tri đảng Cộng hòa có chung quan điểm rằng Mỹ đang chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 6 của Pew Research, 44% cử tri đảng Cộng hòa và những người nghiêng về đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine. Trong khi đó, chỉ 14% cử tri đảng Đảng Dân chủ và những người nghiêng về Đảng Dân chủ có cùng ý kiến.
Tương lai viện trợ quân sự của Ukraine
Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 43 tỷ USD viện trợ quân sự. Khoản viện trợ này được dùng để cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm hệ thống HIMARS và Patriot, xe tăng và các thiết bị khác.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul nói rằng cách tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine của chính quyền Tổng thống Biden “gây nguy hiểm cho sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội đối với Ukraine”. “Việc chuyển giao chậm các hệ thống vũ khí quan trọng cho Ukraine có thể khiến cuộc xung đột kéo dài”.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đang tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 khác như Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott và cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đều kêu gọi tiếp tục viện trợ mạnh mẽ cho Ukraine.
Tuy nhiên, nếu một ứng cử viên đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống Mỹ năm 2024, quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine sẽ rất khác so với chính quyền Tổng thống Biden.
Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống, nguồn hỗ trợ quân sự và kinh tế dành cho Ukraine sẽ gặp khó khăn. Cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Alexander Vindman cho rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng cũng sẽ không đảm bảo cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc.
Anton Gerashchenko, chuyên gia an ninh của Ukraine, cho rằng, bất kể ứng viên của đảng nào giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Ukraine vẫn sẽ cần hỗ trợ quân sự bổ sung để đạt được chiến thắng quyết định trên chiến trường và tránh bị cuốn vào cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
“Chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn và với số lượng lớn hơn. Chúng tôi cần chúng khi ít nhất một số binh sĩ được đào tạo tốt và giàu kinh nghiệm của chúng tôi vẫn còn trên chiến trường”, ông Gerashchenko nói.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói liệu Ukraine có nhận được các đảm bảo an ninh cụ thể trong tương lai hay không. Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào tháng 7, Tổng thống Biden đã “đóng cửa” khả năng Ukraine gia nhập NATO cho đến khi cuộc xung đột kết thúc.
“Tôi hy vọng sẽ thấy Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc phản công và điều đó tạo ra một giải pháp thương lượng”, ông Gerashchenko cho hay.
Thomas Graham, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai là cơ hội tốt nhất của ông Biden nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột từ Nhà Trắng. “Với số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine, Tông thống Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ”.