Nhà đầu tư ưu tiên 'ngủ ngon' hơn 'lãi to'
Trong các kênh đầu tư phổ biến, chuyển một phần vốn sang gửi tiết kiệm ngân hàng là chiến lược đang được đánh giá cao, thay vì tập trung vào chứng khoán, bất động sản hay vàng, ngoại tệ.
Tiết kiệm vẫn được lựa chọn, dù lãi suất khó tăng cao
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người có tiền nhàn rỗi nên gửi một ít vào ngân hàng, dù lãi suất khó tăng cao. Lãi suất tiết kiệm thường thấp hơn nhiều so với các kênh đầu tư phổ biến khác, song đây là kênh đầu tư an toàn.
“Trong lúc này, bỏ vốn vào vàng khá rủi ro, chứng khoán còn lình xình và bất động sản thì giá ở mức cao đòi hỏi phải có nhiều vốn lớn. Gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn của nhiều người, nhất là đối với những người không thích rủi ro cao”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9/2024 tăng khoảng 9% và mục tiêu của ngành ngân hàng đưa ra cả năm nay là 15% có khả năng đạt được. Vì thế, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động vốn trong dịp cuối năm nên lãi suất tiết kiệm có thể tăng nhẹ, song kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm khoảng 0,5%/năm. Mặc dù vậy, nợ xấu và chi phí vốn đầu vào của các nhà băng đang tăng nên lãi suất cho vay không dễ giảm.
Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động khó có thể tăng mạnh, kể cả thời điểm cầu vốn tăng cao vào cuối năm nay.
Bởi lẽ, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát (hiện chỉ tăng 3,6 - 3,7%), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có đợt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay và mặt bằng lãi suất chung của thế giới dần đi xuống.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và tiếp tục sử dụng các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở) để giữ mặt bằng lãi suất huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3 - 4%/năm, dài hạn 12 tháng ở mức 5 - 6%/năm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, động thái từ Fed cho thấy, nhiều khả năng cơ quan này sẽ giảm thêm lãi suất vào cuối năm nay và trong năm tới, nếu lạm phát giảm.
Kết thúc cuộc họp ngày 7/11/2024, Fed quyết định hạ 0,25% lãi suất, xuống 4,5 - 4,75%/năm, sau khi đã giảm 0,5% trong tháng 9/2024.
Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước sẽ khó tăng. Thời gian qua, lãi suất tiết kiệm có diễn biến đi lên, chủ yếu là do các năm trước giảm mạnh, các ngân hàng phải tăng lãi suất trở lại để giữ chân dòng tiền nhàn rỗi. Bởi lẽ, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu tích cực sẽ thu hút tiền từ kênh tiết kiệm.
Tính đến 30/9/2024, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được lựa chọn khi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng số vốn huy động của toàn ngành ngân hàng đạt 14,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2023 (dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 1,1 triệu tỷ đồng, đạt 14,7 triệu tỷ đồng).
Vàng còn dư địa tăng, nhưng rủi ro
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét, một phần tiền gửi ngân hàng có thể sẽ dần dịch chuyển sang thị trường bất động sản để tìm cơ hội khi thị trường này có các dấu hiệu tích cực hơn.
Đối với thị trường chứng khoán, dù có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ để tạo ra cú huých giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại có động thái bán ròng. Sự biến động tích lũy trong biên độ hẹp khiến nhà đầu tư chứng khoán rất khó kiếm lời, thậm chí đối diện với nguy cơ thua lỗ. Theo đó, tình trạng giao dịch trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp có khả năng kéo dài.
Giá vàng quốc tế có triển vọng tăng, nhưng thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới nên vẫn có rủi ro.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán chưa có tín hiệu lạc quan, trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp niêm yết có sự phân hóa rõ nét.
Trong khi chứng khoán và bất động sản trầm lắng, thị trường vàng được đánh giá vẫn còn dư địa trước tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới và nhu cầu vàng thường tăng dịp cuối năm.
Theo ông Hiếu, lộ trình giảm lãi suất của Fed trong thời gian tới sẽ tác động tích cực lên giá vàng, do lãi suất giảm làm sức khỏe của USD yếu đi. Mặc dù vậy, không biết chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ như thế nào. Vì thế, đầu tư vào vàng ở thị trường nội địa hiện có rủi ro, nhà đầu tư cần thận trọng.
“Nếu có nhu cầu về vàng thì nên mua một ít, không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’, kể cả khi dự báo giá vàng thế giới còn tăng. Bởi lẽ, thị trường vàng trong nước và quốc tế lâu nay không được liên thông. Giá vàng thế giới tăng, nhưng trong nước nhiều thời điểm không cùng nhịp, đồng thời giá vàng SJC đang được kiểm soát”, ông Hiếu nói.
Nhiều chuyên gia dự báo, Fed có thể sẽ giảm 0,25% lãi suất trong tháng 12/2024, nâng tổng mức giảm trong năm 2024 lên 1%, sang năm 2025 giảm thêm 1 - 1,5% và năm 2026 tiếp tục giảm.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho biết, với dự kiến lộ trình giảm lãi suất của Fed thì từ nay đến năm 2026, vàng sẽ được hưởng lợi.
Bởi lẽ, lãi suất USD giảm sẽ tác động lên sức khỏe USD, chỉ số Dollar Index đi xuống, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển tài sản vào hầm trú ẩn là vàng. Hiện giá vàng đã vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce, vượt qua dự báo trước đó, nhưng trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2024 vẫn có triển vọng tăng, do nhu cầu về vàng dịp cuối năm thường ở mức cao.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục có động thái tăng dự trữ vàng. Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua 1.000 tấn vàng, nửa đầu năm nay mua khoảng 400 tấn, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên 800 tấn.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư muốn nắm giữ tài sản có tính an toàn cao là vàng.
“Triển vọng của vàng còn sáng, mức giá 3.000 USD/ounce có thể đạt được trong thời gian không quá xa. Từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay, giá vàng đã tăng 30 - 35% nên theo tôi, để đạt mức 3.000 USD/ounce thì vàng chỉ cần tăng thêm khoảng 25%. Mức này không quá khó để đạt được nếu các yếu tố trên tiếp tục duy trì trong thời gian tới”, ông Khánh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý, kim loại quý đã có chuỗi tăng nóng trong thời gian qua, khó tránh khỏi có các nhịp điều chỉnh, thậm chí lao dốc trong ngắn hạn.
Thực tế, ngày 6/11, vàng quốc tế giảm gần 100 USD/ounce, xuống 2.660 USD/ounce, kéo theo vàng trong nước giảm 6 triệu đồng/lượng, xuống 81 - 85 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đến sáng 8/11, vàng thế giới lấy lại ngưỡng 27.000 USD/ounce sau khi Fed hạ lãi suất vào ngày 7/11.
Cũng như các kênh đầu tư khác, để an toàn và hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên không nên tập trung vào vàng, mà nên chia nhỏ danh mục, phân bổ vốn vào các kênh khác vốn có sự hiểu biết hoặc tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-uu-tien-ngu-ngon-hon-lai-to-post357787.html