Cuộc đua đến mặt trăng của các cường quốc vũ trụ
Nhật Bản là quốc gia tiếp theo nhắm tới mặt trăng, chỉ vài ngày sau khi một tàu vũ trụ Nga đâm vào bề mặt của hành tinh này và tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công ở cực Nam. Cuộc đua lên mặt trăng của các cường quốc đang trở nên khốc liệt hơn bởi nguồn tài nguyên băng nước quý giá trên hành tinh này.
Ngày 24-8, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) xác nhận tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đã hạ cánh mềm thành công xuống bề mặt mặt trăng. Ấn Độ đã viết nên lịch sử sau khi trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên cực Nam của mặt trăng. Xe tự hành Pragyaan trên module Vikram được triển khai ở cực Nam và sẽ được các nhà khoa học Ấn Độ sử dụng để thực hiện các thí nghiệm trong 14 ngày tới nhằm khám phá thành phần của đất và đá trên mặt trăng.
Không chỉ là quốc gia thứ tư chinh phục mặt trăng sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng hơn, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên hạ cánh gần cực Nam của mặt trăng, một đích đến khó khăn do địa hình gồ ghề, nhưng lại rất quan trọng đối với nỗ lực tìm kiếm nước đóng băng. Băng nước có thể là một trong những tài nguyên có giá trị nhất của mặt trăng. Nhiều cơ quan và công ty tư nhân nghiên cứu về vũ trụ coi băng nước là chìa khóa để chinh phục mặt trăng và thậm chí là sứ mệnh lên sao Hỏa.
Nguồn tài nguyên quý giá trên Mặt trăng
Ngay từ những năm 1960, trước chuyến hạ cánh đầu tiên của tàu Apollo, các nhà khoa học đã suy đoán rằng nước có thể tồn tại trên mặt trăng. Năm 2008, các nhà nghiên cứu của Đại học Brown đã phân tích lại các mẫu vật từ mặt trăng đó bằng công nghệ mới và tìm thấy hydro bên trong những hạt nhỏ thủy tinh núi lửa. Năm 2009, một thiết bị của NASA trên tàu thăm dò Chandrayaan-1 của ISRO đã phát hiện thấy nước trên bề mặt mặt trăng. Cùng năm đó, một tàu thăm dò khác của NASA hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng đã tìm thấy nước đóng băng bên dưới bề mặt mặt trăng. Một sứ mệnh trước đó của NASA, Tàu thám hiểm Mặt Trăng 1998, đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nơi tập trung nhiều băng nước nhất là ở các miệng hố bị che khuất ở cực nam.
Các nhà khoa học quan tâm đến các túi băng nước cổ vì chúng có thể cung cấp hồ sơ về núi lửa cũng như nguồn gốc của các đại dương trên mặt trăng. Nếu nước đá tồn tại đủ nhiều, nó có thể là nguồn nước uống cho hoạt động thám hiểm mặt trăng và có thể giúp làm mát thiết bị máy móc liên quan. Nó cũng có thể được phân tách để sản xuất hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh khai thác trên sao hỏa hoặc mặt trăng.
Ước tính được trích dẫn trên tờ Daily Mail vào năm 2022 đã định giá nguồn nước vô cùng dồi dào ở cực Nam của mặt trăng có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD, khí Heli của nó có trị giá 1,5 triệu tỷ USD và các kim loại trên mặt trăng có trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính trên mặt trăng có khoảng 1 triệu tấn Helium-3, một đồng vị của Heli rất hiếm trên trái đất. Đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm. Nghiên cứu của tập đoàn Boeing còn cho biết thêm, các kim loại đất hiếm, được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến, hiện có trên mặt Trăng.
28 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu nhằm mục đích sử dụng không gian hòa bình và hợp tác. Dù hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên mặt trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đóng băng trên mặt trăng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Đáng chú ý, màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3 diễn ra chỉ vài ngày sau thất bại của tàu thăm dò mặt trăng Luna-25 của Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, Nga vẫn cố gắng thực hiện vụ phóng tàu thăm dò mặt trăng.
Nhật Bản là quốc gia tiếp theo nhắm tới mặt trăng. Tên lửa H2-A của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ cất cánh vào sáng 27-8 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, mang theo một vệ tinh chụp ảnh tiên tiến và một tàu đổ bộ hạng nhẹ. Nó dự kiến đáp xuống mặt trăng vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Nếu thành công, JAXA sẽ có nguồn động lực để xây dựng lại danh tiếng sau loạt vụ thất bại đầy tốn kém trong năm qua. Giáo sư Shinichi Kimura, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Hệ thống Vũ trụ của Đại học Khoa học Tokyo, cho biết: "Đó là một sứ mệnh quan trọng, cả về mặt khoa học lẫn tính biểu tượng".
Ngoài Nhật Bản, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã lên kế hoạch cho các sứ mệnh tới cực nam của mặt trăng. NASA cam kết đưa phi hành gia lên mặt trăng lần nữa vào năm 2025 trong chương trình Artemis. Trung Quốc lên kế hoạch đưa người tới mặt Trăng năm 2030.
Cuộc đua vào không gian cũng chứng kiến sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Trong đó có thể kể đến Công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk. Công ty này đang phát triển tên lửa Starship cho hoạt động kinh doanh phóng vệ tinh của mình cũng như đưa các phi hành gia NASA lên bề mặt mặt trăng theo hợp đồng trị giá 3 tỷ USD. Ngoài hợp đồng đó, SpaceX sẽ chi khoảng 2 tỷ USD cho Starship trong năm nay. Bên cạnh đó, các công ty vũ trụ Astrobotic và Intuitive Machines của Mỹ cũng đang chế tạo tàu đổ bộ dự kiến sẽ phóng tới cực Nam của mặt trăng vào cuối năm nay hoặc vào năm 2024.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cuoc-dua-den-mat-trang-cua-cac-cuong-quoc-vu-tru-post282486.html