Cuộc đua bầu Tổng thống Mỹ năm 2020 bắt đầu 'nóng lên'
Phải hơn 1 năm nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới diễn ra, nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng đã 'nóng' lên bởi tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử.
Phát biểu tại một sân vận động của thành phố Orlando, bang Florida, nơi từng góp phần quan trọng trong lần đầu đắc cử của ông Donald Trump, trước sự chứng kiến của 20.000 người ủng hộ, đương kim Tổng thống Mỹ đưa ra cam kết tiếp tục tạo dựng nền tảng để xây dựng nước Mỹ lớn mạnh hơn nữa. Đám đông người ủng hộ đã hô vang khẩu hiệu: “Nước Mỹ, nước Mỹ”.
Lên nắm quyền với chiến thắng bất ngờ, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã làm đảo lộn nhiều trật tự tưởng như bất di bất dịch. Để “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump sẵn sàng đối đầu với tất cả, kể cả các đồng minh thân cận như châu Âu, Nhật Bản, Canada; sẵn sàng lao vào “cuộc chiến thương mại” một mất một còn với đối thủ khổng lồ Trung Quốc. Về đối nội, tuyên bố của ông Donald Trump sẽ trục xuất hàng triệu người di cư phi pháp khiến chính trường Mỹ luôn “nóng” bởi các cuộc tranh cãi nảy lửa.
Ấy thế nhưng bất chấp danh hiệu “Tổng thống gây tranh cãi nhất” trong lịch sử, thành tựu mà ông Donald Trump đạt được trong 3 năm nắm quyền khá ấn tượng. Thị trường lao động Mỹ đã vượt qua mức kỳ vọng với việc tạo thêm 263.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, xuống còn 3,6% trong tháng 4-2019, còn GDP trong quý đầu tiên năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành tựu kể trên đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới, đúng như khẩu hiệu mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Với các cử tri vốn luôn đau đầu bởi “cơm áo, gạo tiền”, việc kinh tế được cải thiện là một trong những điểm cộng quan trọng, tạo lợi thế cho ông Donald Trump trong việc giành quyền tái tranh cử trong nội bộ Đảng Cộng hòa và xa hơn là trong cuộc bầu cử Tổng thống, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3-11-2020.
Với Đảng Dân chủ đối lập, thành tích của ông Donald Trump đặt ra “bài toán khó”, khiến đảng này phải đau đầu để tìm ra những điểm yếu của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trước mắt, ưu thế của Đảng Dân chủ là tiền bạc. Theo báo mạng The Hill, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người của Đảng Dân chủ, đã vận động được gần 20 triệu USD ủng hộ cho chiến dịch tranh cử. Đây là con số ấn tượng nhất nếu so sánh với những sự ủng hộ khác dành cho các ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cùng giai đoạn hiện nay.
Các ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ cũng được dự báo có kết quả gây quỹ ấn tượng không kém. Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana là Pete Buttigieg đã huy động 7 triệu USD chỉ trong tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, ứng cử viên Bernie Sanders lại đang hướng chiến lược vận động của mình vào việc tập trung vào các nhà tài trợ “nhỏ” nhằm mục đích gây được số quỹ ủng hộ lớn hơn.
Đảng Dân chủ cũng có thể tìm cách triệt hạ ông Donald Trump bằng cách tiếp tục theo đuổi cáo buộc về sự dính líu của ông Donald Trump trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Mặc dù kết quả cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về vai trò của ông Donald Trump trong vụ việc này, nhưng Đảng Dân chủ vẫn quyết tâm mở rộng cuộc điều tra “nghi án” Nga can thiệp để giúp ông Donald Trump chiến thắng, với hy vọng giành ghế trong Nhà Trắng bằng “thắng kiện chứ không phải thắng cử”.
Trước mắt, theo kết quả cuộc thăm dò do trường Đại học Quinnipiac thực hiện và công bố ngày 18-6, ông Joe Biden - 1 trong 14 ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ, đang tạm chiếm ưu thế trước ông Donald Trump với tỷ lệ ủng hộ 50%-41%, trong khi đó Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders (cũng của Đảng Dân chủ) cũng tạm dẫn trước ông Donald Trump với tỷ lệ 48%-42%. Tuy nhiên, đường đua còn dài và tương quan này sẽ thay đổi liên tục từ nay đến ngày bầu cử diễn ra.