Cuộc chiến chống khủng bố ở Balochistan
Anh Munir Ahmed Baloch sống tại thị trấn Mastung, tỉnh Balochistan, Pakistan hơn hai ngày nay không một phút chợp mắt. Em trai của anh là một trong số những nạn nhân tử vong trong vụ đánh bom khủng bố thánh đường Hồi giáo Mastung. Anh Munir nhớ lại: 'Có hơn trăm người đứng trước thánh đường để đi lễ Eid Milad ul-Nabi (ngày lễ ăn mừng sinh nhật nhà tiên tri Muhammad)... Kẻ giết người trong ngày lễ chắc chắn không phải là tín đồ của Allah. Tôi cầu nguyện rằng em tôi đã lên thiên đường'.
Ngày 29/9/2023 là một ngày u ám tại Mastung. Ngoài 60 nạn nhân tử vong, nhiều người khác bị thương nặng còn phải nằm cấp cứu nhiều ngày ở thành phố Quetta. Đây là vụ khủng bố lớn thứ hai trong vòng một năm trở lại đây, chỉ sau vụ đánh bom tại thành phố Peshawar khiến hơn 100 người tử vong hồi đầu năm nay. Balochistan nói riêng và Pakistan nói chung đang chứng kiến một làn sóng khủng bố mạnh mẽ đến mức hiếm thấy trong lịch sử.
Vùng biên bất ổn
Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) tức tổ chức Taliban Pakistan, một đồng minh của nhóm Taliban ở Afghanistan. Trước đây TTP từng tổ chức tấn công đồn cảnh sát và cơ quan công quyền sau khi cuộc đàm phán ngừng bắn giữa họ và chính phủ Pakistan thất bại vào tháng 11/2021. Về phần mình TTP ra tuyên bố phủ nhận sự liên quan đến vụ đánh bom Mastung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ tạm quyền Sarfaraz Bugti tuyên bố trên sóng vô tuyến: “Chúng tôi biết rõ những kẻ gây ra vụ đánh bom. Chúng sẽ phải trả giá. Chúng tôi sẽ dùng mọi nguồn lực để trả thù cho các nạn nhân”. Ông Bugti đồng thời cho biết gia đình mỗi nạn nhân sẽ nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu PKR (khoảng $5,184).
Anh Shahbaz Khan Baloch, người duy nhất trong gia đình 14 người sống sót sau vụ đánh bom, kể lại trong đau đớn: “Chúng tôi đi từ làng Sharif Abad từ sáng sớm, đến gần trưa thì mới đến Mastung. Tôi sắp bước vào nhà thờ thì nghe thấy tiếng nổ, rồi cả người bay lên trên không. Đến khi tôi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trên giường bệnh rồi... Ở làng giờ nhà nào cũng có bốn năm người chết”. Một người hàng xóm của anh Shabaz Baloch cũng là nạn nhân vẫn còn đang hôn mê vì bị một mảnh bê tông sắc đâm vào đâm vào đầu. Điều mà người nhà nhiều nạn nhân đang tha thiết kêu cứu là có thêm bác sỹ và thuốc men được điều đến Quetta để chăm sóc thân nhân họ.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, 11 người đã bị thương trong một vụ đánh bom xảy ra chỉ cách thánh đường Mastung vài bước chân. Rồi chỉ vài phút sau khi vụ đánh bom thánh đường Mastung, lại có một nhà thời Hồi Giáo khác ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa bị đánh bom. Năm người chết trong vụ khủng bố thứ hai. Trước đó hơn 40 thành viên của một đảng chính trị ở Khyber Pakhtunkhwa cũng tử vong do buổi họp đảng bị khủng bố.
Theo báo cáo tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu an ninh Pakistan (CRSS), Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan là hai tỉnh bạo lực nhất đất nước này. Số người chết vì bạo lực ở riêng Balochistan đã tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 62% nạn nhân chết vì khủng bố. Tổng cộng có 121 vụ khủng bố ở Balochistan kể từ đầu năm đến nay, gây ra 165 cái chết và 191 người bị thương.
Balochistan được cộng đồng quốc tế biết đến vì cuộc chiến đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa chính phủ Pakistan và các nhóm ly khai. Mảnh đất nằm giáp biên giới với Iran và Afghanistan này sở hữu trữ lượng dầu và khí tự nhiên nhiều nhất Pakistan, nhưng lại là tỉnh nghèo nhất. Quân nổi dậy ban đầu muốn nguồn lợi từ dầu được phân chia bình đẳng cho dân địa phương, nhưng sau đó họ đẩy yêu cầu lên mức tách hẳn Balochistan ra khỏi Pakistan. Họ cho rằng chính quyền thực dân Anh (cũ) sát nhập Balochistan vào Pakistan vào năm 1947 mà không có trưng cầu dân ý là hành vi phạm pháp.
Trung tướng, nhà phân tích quân sự Talat Masood nhận xét: “Việc khủng bố liên tục ở Balochistan không có gì lạ. Quân số cảnh sát và quân đội tại Balochistan vốn đã không đủ để kiểm soát một diện tích rộng như vậy. Các cửa khẩu giữa Pakistan và Afghanistan đang ở trong tình trạng “quá tải” vì dòng người và hàng qua lại quá đông. Đấy là chưa kể sự can thiệp của các thế lực nước ngoài”.
Lực lượng nổi dậy
BLF là lực lượng ly khai lớn mạnh nhất ở Balochistan. Tổ chức này được thành lập vào năm 1964 ở Damascus, Syria với mục đích bảo vệ và giải phóng người Baloch (các bộ lạc du mục bản địa ở Balochistan). Sau nhiều năm nổi dậy bất thành và bị quân đội Iran đánh bật khỏi miền đông nam nước này, BLF dạt sang Pakistan và tiếp tục tổ chức nổi dậy. Islamabad tuyên bố đã tiêu diệt hoàn toàn BLF vào năm 1977, nhưng đến năm 2004, tổ chức này lại bất ngờ tái xuất dưới sự lãnh đạo của Allah Nazar Baloch.
Không có nhiều thông tin về Allah Nazar Baloch, nhưng theo các tài liệu được báo chí Pakistan đăng tải thì Allah Nazar là một nhà giáo từng đi biểu tình đòi quyền độc lập cho Balochistan. Vào năm 2002, Allah Nazar liên kết được một số nhóm bán quân sự ly khai thành BLF. Chỉ huy quân sự hiện tại của BLF là Bashir Zeb Baloch được cho là em trai hoặc cháu họ của Allah Nazar.
Địa bàn hoạt động của BLF bao phủ toàn bộ tỉnh Balochistan và còn có thể kéo dài tới tận thành phố Karachi ở tỉnh Sindh láng giềng. Mới đây trong một đoạn video được tung lên mạng, Bashir Zeb Baloch tuyên bố BLF đang nhắm đến các cá nhân và tổ chức có liên quan đến dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). CPEC hướng đến việc xây dựng một số đại lộ, đường ray xe lửa và đường ống dẫn dầu nối thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc với cảng nước sâu Gawadar của Balochistan. Với tư cách một tổ chức đòi độc lập cho Balochistan, tất nhiên BLF khó lòng chấp nhận các thỏa thuận được Islamabad và Bắc Kinh ký kết.
Còn nhớ vào tháng 8/2018, một kẻ đánh bom tự sát thuộc BLF tấn công xe buýt chở 18 kỹ sư Trung Quốc tham gia một dự án khai khoáng ở Balochistan. 5 người bị thương trong vụ tấn công. Hơn 3 tháng sau, BLF tấn công bất thành lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi khiến 2 cảnh sát, 2 dân thường Pakistan và 3 kẻ tấn công chết. Đến tháng 5/2019, quân BLF lại một lần nữa tấn công. Mục tiêu là khách sạn Pearl-Continental gần cảng Gwadar và là nơi có nhiều chuyên gia Trung Quốc sinh sống. Vụ tấn công khiến 4 nhân viên khách sạn, 1 lính Pakistan và 3 kẻ khủng bố tử vong.
Ông Sehagal và nhiều nhà quan sát khác chung quan điểm rằng Islamabad cần sớm tăng cường lính biên phòng lên Balochistan để thắt chặt kiểm soát đường biên với Iran và Afghanistan. Đồng thời họ cũng đề xuất ý kiến Islamabad nên sớm thương lượng với Tehran và Kabul để lập ra một bộ khung pháp lý, tạo điều kiện để các cơ quan kiểm soát được hoạt động tài chính qua lại giữa ba nước.
Bên cạnh BLA nhà chức trách Balochistan còn đang theo dõi một tổ chức mang tên Quân đội quốc gia Balochistan (BNA). BNA là liên minh giữa các nhóm ly khai khác nhau không nằm trong BLA vì những lý do khác nhau. Họ từng đánh bom chợ Anarkali nổi tiếng ở thành phố Lahore, tỉnh Punjap khiến 3 người chết, 28 người bị thương. Còn có tin đồn rằng BNA đang liên minh với Quân đội cách mạng Sindhi, một nhóm ly khai của dân tộc thiểu số Sindhi ở tỉnh Sindh giáp với Balochistan. Mối quan tâm chung của những tổ chức này vẫn là sự phân chia các nguồn lợi khoáng sản ở miền Nam Pakistan.
Ngoài dầu và khí tự nhiên, các dãy núi Balochistan còn chứa đựng nhiều khoáng sản khác như vàng, thiếc, sắt,... Chưa hết, vị trí “ngã ba” giữa Pakistan, Afghanistan, và Iran đưa giá trị địa chiến lược của Balochistan lên mức khó tưởng tượng nổi. Trong khi đó Balochistan lại là tỉnh nghèo nhất Pakistan. Đặt sang một bên những mối bất hòa dân tộc, sự phát triển của các tổ chức ly khai Balochistan là biểu hiện của sự chia rẽ giàu-nghèo.
Chuyên gia Talat Masood nhận xét: “BLA bây giờ khác với BLA ngày xưa. Nếu như trước đây các nhóm ly khai Balochistan có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo những bộ tộc Baloch, thì ngày nay BLA tìm mọi cách để tránh xa các đồng minh cũ. Nhiều thành viên của BLA ngày nay thuộc về tầng lớp trung lưu thành thị, có học hành đầy đủ. Họ nhìn thấy ngay rằng các vị lãnh đạo bộ tộc “vơ vét” hết nguồn lợi từ khoáng sản vào tay mình, còn dân thường Baloch thì vẫn nghèo”.
“Chìa khóa” cho vấn đề khủng bố ở Balochistan đối với Islamabad rất có thể là đầu tư vào việc phát triển kinh tế cộng đồng và thoát nghèo, đồng thời phân chia bình đẳng hơn những nguồn lợi từ khai thác khoáng sản. Vấn đề nằm ở chỗ chính phủ Pakistan luôn phải “đi rón chân” trong các vấn đề kinh tế ở Balochistan nhằm tránh “đánh động” giới lãnh đạo bộ tộc. Quyền lực ở Pakistan không tập trung hết ở Islamabad mà vẫn còn nằm nhiều trong tay các tộc trưởng. Trước bối cảnh rối ren của nền chính trị Pakistan, quyền lợi của các bộ tộc tại địa phương sẽ chỉ tăng lên. Khi đó thật khó để tưởng tượng rằng chính phủ Pakistan sẽ sớm có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - chính trị - an ninh ở Balochistan.