Cuộc chiến cáp ngầm ở Thái Bình Dương: Mỹ và Trung Quốc, ai trên cơ?
Mỹ lo ngại Trung Quốc không chỉ lợi dụng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để lôi kéo các nước Thái Bình Dương vào quỹ đạo của nước này, mà còn có khả năng khai thác các điểm đặt cáp ngầm để tiến hành giám sát hàng loạt.
Dự án cáp ngầm bế tắc vì sự tham gia của Trung Quốc
Một dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu đã dừng đấu thấu hợp đồng đặt các tuyến cáp ngầm ở Thái Bình Dương sau khi Mỹ cảnh báo sự tham gia của một công ty Trung Quốc trong dự án này có thể gây ra các mối đe dọa về an ninh.
Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Huawei Marine Networks (HMN Tech), công ty niêm yết tại Thượng Hải, Trung Quốc, đề nghị nhận thầu dự án Tuyến cáp Đông Micronesia với mức giá 72,6 triệu USD thấp hơn 20% so với đối thủ Alcatel Submarine Networks (ASN) của Phần Lan và NEC của Nhật Bản.
Tuyến cáp Đông Micronesia được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc ở các quốc đảo Nauru, Kiribati và Liên bang Micronesia (FSM), bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng dưới nước với dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh.
Dự án này cũng kết nối với một tuyến cáp nhạy cảm dẫn đến đảo Guam, thuộc chủ quyền của Mỹ - nơi Washington đặt căn cứ quân sự và nhiều khí tài quan trọng. Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, dự án này đã rơi vào bế tắc vì những quốc đảo trên lo ngại về vấn đề an ninh sau khi HMN Tech dự thầu.
“Do không có cách nào để loại bỏ Huawei dự thầu, nên cả 3 hồ sơ dự thầu đều bị coi là không đáp ứng đủ điều kiện”, một nguồn tin cho biết. Nguồn tin này nói thêm, HMN Tech đang có nhiều lợi thế hơn vì thế các bên mời thầu phải tìm ra giải pháp phù hợp để chấm dứt gói thầu.
Ngân hàng Thế giới cho biết, cơ quan này đang làm việc với các nước liên quan để hoạch định những bước đi tiếp theo. “Quá trình đấu thầu đã kết thúc mà không có người chiến thắng bởi vì các bên không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu”, WB ra thông báo nêu rõ.
Phản ứng sau vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, tất cả các bên nên cung cấp một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử, để các công ty của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc có thể tham gia. “Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tham gia đầu tư nước ngoài và hợp tác theo nguyên tắc thị trường, quy định quốc tế và luật pháp khu vực sở tại”.
Được biết, cả 3 quốc đảo liên quan đến dự án đều có đại diện trong ủy ban đánh giá gói thầu.
Trong quá trình đấu thầu năm 2020, Mỹ đã trình bày chi tiết những lo ngại của nước này trong một công hàm gửi tới Liên bang Micronesia, quốc gia có các thỏa thuận phòng thủ quân sự kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ. Công hàm cho rằng các công ty Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh vì họ bị yêu cầu phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc này.
Trong một bức thư riêng rẽ, các nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc thường trợ cấp cho các công ty của nước này, gây ảnh hưởng đến những dự án thầu do các tổ chức và cơ quan phát triển điều hành.
Mặc dù cảnh báo này được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ thay đổi lập trường về vấn đề này dưới thời Tổng thống Biden. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt HMN Tech vào “danh sách đen”, hạn chế cho phép công ty này tiếp cận với hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Cạnh tranh quyền lực mềm dưới đáy đại dương
Cảnh báo đưa ra là một tín hiệu cho thấy, Mỹ và các đồng minh của nước này rất quan tâm đến việc cung cấp một giải pháp thay thế cho các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương nhằm chống lại sự hấp dẫn của những hồ sơ dự thầu mà các công ty Trung Quốc đưa ra đối với các dự án tương tự trên khắp khu vực. Mỹ lo ngại Trung Quốc không chỉ lợi dụng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để lôi kéo các nước Thái Bình Dương vào quỹ đạo của nước này, mà còn có khả năng khai thác các điểm đặt cáp ngầm để tiến hành giám sát hàng loạt.
Tại sao Mỹ và các đồng minh lại quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống cáp ngầm ở Thái Bình Dương? Nicole Starosielski, giáo sư tại Đại học New York cho biết, câu trả lời có lẽ nằm ở việc những nước này muốn củng cố quyền lực mềm tại một khu vực mà từ lâu họ ít chú trọng đầu tư.
Đối với Mỹ dự án lắp đặt hệ thống cáp tại Thái Bình Dương không chỉ đơn thuần là sự hợp tác về kỹ thuật mà còn là biểu tượng thể hiện “lý tưởng kết nối” với phần còn lại của thế giới. Nếu để mất dự án vào tay Trung Quốc thì điều đó chẳng khác nào quyền lực mềm của họ đang bị xói mòn.
Hơn nữa, cũng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng các dự án lắp đặt cáp ngầm để lôi kéo các quốc gia Thái Bình Dương vào quỹ đạo của nước này bằng cách đưa họ vào “bẫy nợ”. Papua New Guinea là một ví dụ điển hình. Là quốc gia có diện tích rừng lớn và nền kinh tế kém phát triển, Papua New Guinea luôn có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. Vào năm 2019, nước này đã chấp thuận dự án lắp đặt mạng cáp quang biển Kumul do HMN Tech thực hiện. Tuy vậy, đã có những câu hỏi đặt ra về việc Papua New Guinea sẽ làm thế nào để trả 298 triệu USD mà họ đã vay từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc để tài trợ cho dự án, bên cạnh các khoản vay khác để đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế mới, các tuyến đường bộ và một trung tâm dữ liệu.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc xem xét các dự án lắp đặt cáp quang dưới biển qua lăng kính cạnh tranh Mỹ-Trung có thể không phản ánh đúng tình hình thực tiễn. Tiến sĩ Amanda Watson của Đại học Quốc gia Australia lập luận rằng, việc lựa chọn một công ty của Trung Quốc hay phương Tây thắng thầu có thể liên quan nhiều hơn đến chính sách của các nhà lãnh đạo trong khu vực muốn tìm kiếm một thỏa thuận tốt nhất về cơ sở hạ tầng trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
“Nhiều chính trị gia đủ tinh tường để nhận ra có một số cuộc cạnh tranh về chính trị và cạnh tranh chiến lược đang diễn ra. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu một nhà lãnh đạo của một quốc gia Thái Bình Dương muốn cung cấp một dịch vụ cho người dân thì họ chỉ đơn thuần muốn làm điều đó theo cách tốt nhất có thể”.
Theo nhà phân tích Amanda Watson, sự cạnh tranh của Trung Quốc đối với các dự án xây dựng hệ thống cáp ngầm tại Thái Bình Dương có thể khiến Mỹ và phương Tây tăng cường đầu tư nhiều hơn vào khu vực, hoặc ít nhất là mang đến những gói thầu có giá cả phải chăng hơn./.