Cùng thanh niên lập nghiệp

ĐBP - Thời gian qua, phong trào 'Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp' của tuổi trẻ Điện Biên đã và đang được các cấp bộ đoàn triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Bằng sức trẻ, cùng những ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, phong trào đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng; từ đó, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chị Lường Thị Chính vận hành máy xay xát của gia đình.

Chị Lường Thị Chính, bản Pọng, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) là một trong những thanh niên năng động, sáng tạo ở nơi sinh sống. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, chị đã thành công với mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp chăn nuôi, trở thành tấm gương thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã. Chị Chính cho biết, cách đây 5 năm, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đoàn xã, chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất. Với số tiền có được và sự hỗ trợ thêm từ phía người thân, chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia cầm, lợn giống với quy mô lớn. Chỉ 3 năm sau, mô hình phát triển kinh tế của chị cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Chưa dừng lại ở việc chăn nuôi, với tư duy dám nghĩ, dám làm, chị Chính đầu tư thêm máy xay xát phục vụ người dân trong bản. Thành công với 2 mô hình trên, đến nay, khi có điều kiện, trả được vốn vay ngân hàng, chị Chính tiếp tục làm thêm dịch vụ cưới hỏi (cho thuê bàn, ghế; tăng âm, loa đài; bát đũa…) từ đó, tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình. Chia sẻ thành quả của mình, chị Chính phấn khởi: Sự quyết tâm của bản thân là một phần, song sự quan tâm, đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên cũng rất quan trọng. Tham gia tổ chức đoàn, tôi không những được tạo điều kiện vay vốn mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nhất là nắm bắt được xu thế của nền kinh tế thị trường để phát triển.

Cũng nhờ được tổ chức đoàn thanh niên đồng hành, vận động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Cháng Seo Thủ, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) hiện là gương sáng về phát triển kinh tế vùng biên. Anh Thủ chia sẻ, trước đây, đời sống kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ canh tác lúa 1 vụ; chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ… Năm 2016, được các cấp bộ đoàn tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả. Đến nay, gia đình đã trồng hơn 10ha; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn sả phát triển ổn định, xuất bán ra thị trường đem lại nguồn thu nhập cao.

Anh Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 3.500 ĐVTN. Đồng hành cùng ĐVTN vươn lên trong cuộc sống, hàng năm, đoàn các cấp thường xuyên vận động đoàn viên tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp; khai thác thế mạnh của địa phương, nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế gia đình... Nhờ đó, hiện nay, toàn huyện có hàng trăm gia đình ĐVTN làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Thực hiện Đề án “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 - 2022” của Trung ương Đoàn; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn các cấp tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN và người dân về nghề nghiệp, việc làm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ hàng trăm ĐVTN tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 5 tỉnh, thành phố tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh; tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng và giới thiệu việc làm cho thanh niên thu hút trên 15.000 lượt ĐVTN tham gia. Bên cạnh đó, chỉ đạo đoàn các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng số dư nợ tổ chức đoàn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 840 tỷ đồng với gần 20.000 ĐVTN tham gia.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/193177/cung-thanh-nien-lap-nghiep