Cung cấp kiến thức để học sinh bảo vệ bản thân khỏi thuốc lá điện tử

Nhiều trường học tại TP Hà Nội đã tổ chức chương trình ngoại khóa cung cấp kiến thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử, mở ra cơ hội để các em được thể hiện ý kiến về các sản phẩm này

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử (TLĐT) ở mọi lứa tuổi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại thuốc lá mới gây hại cho sức khỏe người sử dụng, thậm chí còn hơn thuốc lá truyền thống.

Không để thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá truyền thống trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam, tỉ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi này giảm từ 2,5% (năm 2014) còn 1,9% (năm 2022). Trong khi đó, điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13-17 tại 34 tỉnh, thành của Việt Nam, tỉ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh vào năm 2019 là 2,6% nhưng đến năm 2022 đã lên 3,5%. Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 cũng ghi nhận tỉ lệ sử dụng TLĐT đặc biệt cao tại các thành phố lớn, riêng tại Hà Nội, tỉ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nam là 12,39%, nữ là 4,8%).

Nguyên nhân một phần do sự thiếu hiểu biết về tác hại của TLĐT cộng với việc tiếp cận mua bán sản phẩm dễ dàng và bị chi phối bởi những nguồn thông tin quảng cáo sai lệch từ nhà sản xuất, người bán hàng. Do vậy, việc cung cấp thông tin khoa học chính xác cho học sinh về tác hại của TLĐT là cần thiết.

Học sinh Trường THPT Kim Liên tham gia truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử thông qua các vở kịch, poster

Trước đó, trong tháng 10, các trường THCS và THPT tại Hà Nội như THCS Chương Dương, THCS Trưng Vương, THPT Kim Liên... đã hưởng ứng hoạt động ngoại khóa với chủ đề "Loại bỏ TLĐT trong môi trường học đường". Khác biệt với những hoạt động tuyên truyền về TLĐT được tổ chức trước đây, hoạt động ngoại khóa diễn ra trong tháng 10 lần này với chủ đề "Loại bỏ TLĐT trong môi trường học đường" đề cao sự chủ động của học sinh trong việc tìm hiểu tác hại của TLĐT. Tại mỗi điểm trường, học sinh đều có cơ hội trình bày những kiến thức, hiểu biết, quan điểm của mình liên quan chủ đề TLĐT dưới nhiều hình thức như sơ đồ tư duy, hình ảnh, tranh vẽ, thảo luận mở. Cách tiếp cận sáng tạo này giúp các em hiểu sâu sắc và áp dụng trong thực tế, tránh bị lôi kéo vào sử dụng TLĐT.

Đặc biệt, CLB Kim Liên News của Trường THPT Kim Liên đã đề xuất sáng kiến thành lập Góc tuyên truyền và Hòm thư góp ý nhằm giúp học sinh trong trường có cơ hội chủ động tham gia truyền thông về tác hại của TLĐT, đồng thời chia sẻ những câu chuyện hoặc mong muốn giúp đỡ bỏ TLĐT từ thầy cô, bạn bè. Cũng tại buổi ngoại khóa, lần đầu tiên tấm poster khổng lồ "phơi bày" hàng ngàn hóa chất độc hại có trong TLĐT được công bố. Nhiều học sinh bất ngờ khi biết trong sản phẩm TLĐT được quảng cáo là ít gây hại lại chứa hóa chất gây nghiện và các hóa chất nguy hiểm vốn là thành phần trong thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ, chất chống đông, dầu nhớt, chất nổ, nước tẩy.

Xử lý nghiêm việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học

Theo báo cáo của WHO, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT, trong đó có nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Đại diện WHO cho biết TLĐT được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng TLĐT trong học sinh tăng nhanh.

Thực tế, TLĐT đã xâm nhập trường học, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng học tập, sự phát triển lành mạnh của học sinh. Đáng báo động hơn, nhiều học sinh sử dụng TLĐT ngay tại trường học, thậm chí rủ các bạn dùng thử với tâm lý "hút cùng cho vui", "hút để giải trí". Hoạt động ngoại khóa về phòng chống tác hại của TLĐT là cần thiết để kết nối học sinh, phụ huynh, nhà trường, các tổ chức xã hội... cùng thảo luận tìm ra giải pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi TLĐT tại trường học và cuộc sống.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và TLĐT cho các cơ sở giáo dục.

Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha đến toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới ngoài cổng các trường học theo quy định tại khoản 2, điều 25 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp mua bán, sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục...

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/cung-cap-kien-thuc-de-hoc-sinh-bao-ve-ban-than-khoi-thuoc-la-dien-tu-20231113161904936.htm