Cứ 10 thanh niên có 1 người thất nghiệp: Cần nguồn lực hỗ trợ việc làm
Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn 'dân số vàng'.
Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề, việc làm của thanh niên cũng không ổn định.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 do Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 5-5.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, so với thế giới và khu vực, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên phản ánh việc kết nối cung và cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân do chất lượng lao động thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu thị trường hay chưa có các giải pháp phù hợp giúp thanh niên tham gia thị trường lao động hay do ý thức, trách nhiệm của bản thân thanh niên.
Tại diễn đàn, các đại biểu nhận định hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần phải chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tùy theo đặc thù thanh niên thuộc nhóm đối tượng nào thì triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp.
Giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam đang trôi dần về những năm cuối (dự báo khoảng năm 2039) và giai đoạn già hóa dân số đến nhanh. Sự thay đổi này đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với nhóm dân số trong lực lượng lao động, trong đó thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ việc làm kịp thời cho thanh niên.