Covid-19 thúc đẩy trật tự đa phương do ASEAN dẫn đầu

Sự hợp tác đa phương do ASEAN lãnh đạo trong bối cảnh dịch Covid-19 và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang thể hiện tầm quan trọng hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: TG&VN)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu, một số quốc gia trên thế giới đã quyết định thu mình và quay lưng lại với hợp tác quốc tế. Nhưng tại Đông Nam Á, lãnh đạo các nước ASEAN đã triệu tập Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19, cũng như Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Covid-19 với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các hội nghị cấp cao này được tiến hành qua hình thức trực tuyến hôm 14/4 dưới sự chủ trì của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN năm nay để thảo luận về cách tiếp cận phối hợp của khu vực để chống lại đại dịch Covid-19. Các tuyên bố chung được đưa ra sau 2 hội nghị nêu bật các lĩnh vực chính mà ASEAN và 3 nước đối tác nên cùng nhau hợp tác.

Đây là dấu hiệu cho thấy ASEAN thừa nhận sự thảm khốc của đại dịch và sự cấp bách phải đưa ra cách phản ứng mang tính phối hợp trong khu vực. ASEAN đã nhanh chóng tổ chức các hội nghị cấp cao đặc biệt về Covid-19.

Bộ trưởng quốc phòng, kinh tế và ngoại giao của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác đã tụ họp để phác thảo và vạch ra các kế hoạch hành động trước khi các nguyên thủ quốc gia bàn bạc thông qua tại các hội nghị thượng đỉnh.

Ý chí chính trị để hành động là điều cực kỳ cần thiết trong bối cảnh trật tự đa phương đang xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng và thậm chí chia rẽ. Trong lúc các nước thành viên ASEAN kiên trì thúc đẩy các nỗ lực phối hợp để chống lại đại dịch cùng một số nước láng giềng thì Mỹ và Trung Quốc đang chìm trong cuộc khẩu chiến gay gắt.

Như vậy, hai hội nghị cấp cao này giúp duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong trật tự đa phương của khu vực.

Thứ nhất, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN vạch ra định hướng để ASEAN làm sâu sắc hơn hợp tác giữa các nước thành viên qua việc tăng cường các cơ chế ứng phó khẩn cấp hiện có trong ASEAN để xử lý tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trong tương lai.

Ba trong số các cơ chế hiện nay đó là Mạng lưới Trung tâm Vận hành trong tình huống khẩn cấp của ASEAN, Trung tâm Ảo BioDiaspora của ASEAN và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (Trung tâm AHA).

Thứ hai, Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19 nhấn mạnh rằng các nước thành viên đã củng cố các biện pháp hợp tác y tế công cộng để kiểm soát đại dịch trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình này với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3. Như vậy, với việc hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cùng tiếng nói chung với ASEAN, điều này có thể giúp 3 quốc gia này một lần nữa hiểu được rằng việc phối hợp mang tính xây dựng với ASEAN trong vấn đề y tế cũng nằm trong các lợi ích của họ.

Cùng lúc đó, ASEAN cũng thể hiện cam kết của mình trong việc hợp tác với các thể chế đa phương khác khi mời Tổng Giám đốc WHO tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự đối đầu Mỹ-Trung, ASEAN nên tiếp tục phối hợp với các cường quốc bên ngoài khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để đưa ra cách phản ứng phối hợp trong khu vực nhằm xử lý bệnh dịch truyền nhiễm này cũng như các tình huống khẩn cấp về y tế. Sự hợp tác đa phương do ASEAN lãnh đạo như vậy hiện quan trọng hơn bao giờ hết.

(theo Eurasia review)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-thu-c-da-y-trat-tu-da-phuong-do-asean-da-n-da-u-115506.html