Covid-19: Cảnh tượng 'tuyệt vọng chưa từng thấy' ở Nam Phi
Cảnh quay trên không cho thấy hàng ngàn người xếp hàng dài trên một con đường đất ở Nam Phi để nhận viện trợ thực phẩm, giúp họ sống sót giữa lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Những hình ảnh này được ghi từ 2 khu ổ chuột Mooiplaas và Spruit, ở ngoại ô thủ đô Pretoria. Người dân xếp hàng hàng giờ đồng hồ để nhận một trong 8.000 gói thực phẩm cứu đói. Lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn 5 tuần do Covid-19, khiến các doanh nghiệp khốn đốn và đẩy những người nghèo vào tình cảnh không còn gì để ăn.
Dòng người xếp hàng dài không thấy điểm cuối. Họ xếp thành 2 hàng, hoàn toàn không có khoảng cách xã hội, có những đoạn trông rất trật tự, có hàng có lối nhưng ở một số điểm khác trông lại rất lộn xộn. Hai bên con đường đất là những mảng cháy lớn hoặc được bao phủ bởi rác thải, những ngôi nhà nhỏ tồi tàn lợp bằng mái tôn. Thực phẩm viện trợ được đặt trong xe tải, xung quanh đó có lực lượng cảnh sát bảo vệ để tránh xảy ra ẩu đả, cướp giật.
Video cho thấy đám đông xếp hàng dài 4 km chờ để được nhận một gói thực phẩm viện trợ. 8.000 gói thực phẩm được quyên góp từ cộng đồng Hồi giáo Tshwane và các doanh nghiệp tư nhân quá ít so với nhu cầu thực tế. Nhiều ý kiến lo ngại nạn đói sẽ ngày càng nghiêm trọng khi đất nước tiếp tục phong tỏa.
Theo thống kê, 90% cư dân sống tại các khu ổ chuột lại là người nước ngoài và người nhập cư không có giấy tờ tùy thân tới từ các nước châu Phi khác như Zimbabwe, Mozambique, Malawi, Cameroon và Mali. Những đối tượng này không đủ điều kiện để nhận viện trợ lương thực từ chính phủ.
Nhà hoạt động xã hội Yusuf Abramjee - người giúp chuyển đồ từ thiện - nói với truyền thông địa phương rằng gói thực phẩm viện trợ chỉ là "một giọt nước trong đại dương", không thể đủ để giúp những người đang tuyệt vọng này sống sót qua phong tỏa.
Anh Yusuf Abramjee nói với Sowetan Live: "Nhu cầu thực phẩm là rất lớn. Hơn 80% cộng đồng này là người nước ngoài và không nhận được sự giúp đỡ nào từ chính phủ. Tôi chưa từng thấy mức độ tuyệt vọng lớn đến thế ở Nam Phi. Thật là đau lòng".
Trong khi đó, ở Ấn Độ, cảnh sát phải dùng đến dùi cui để ổn định đám đông tụ tập bên ngoài các cửa hàng bán rượu ở Ấn Độ, sau khi chính quyền cho mở lại mặt hàng kinh doanh này dù vẫn thi hành lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19.
Nhà chức trách yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m khi đi mua rượu, cũng như trong mỗi cửa hàng chỉ cho phép 5 người có mặt cùng lúc. Thời gian mở cửa tại các cửa hàng rượu cũng bị giới hạn và tại nhiều khu vực như thủ đô Delhi.
Nhiều video và hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều trường hợp người dân đứng quá gần nhau trong khi xếp hàng bên ngoài cửa hàng bán rượu. Cuối cùng, cảnh sát buộc phải cho đóng cửa trở lại toàn bộ các cửa hàng bán rượu ở Đông Delhi chỉ sau vài giờ nối lại hoạt động kinh doanh.