Công trình kè chống ngập ở Cần Thơ 'chạy đua' cùng mùa mưa bão
Chuẩn bị vào mùa mưa, các địa phương trên địa bàn Cần Thơ đã chủ động phòng chống ngập, sạt lở, nhưng dường như tiến độ chậm nên hiệu quả chưa được phát huy do tình hình diễn biến hết sức phức tạp.
Cơn mưa lớn đầu mùa sáng 28/5, kèm theo sấm chớp và giông lốc, chỉ chưa đầy 1 tiếng, đường phố Cần Thơ đã ngập lênh láng, khó khăn trong giao thông nội ô. Trước thực trạng này, thành phố sẽ đẩy mạnh những biện pháp gì để ứng phó kịp thời với thiên tai?
Ghi nhận thực tế sau cơn mưa đầu mùa, các tuyến đường chính trong nội ô Cần Thơ như: Trần Văn Hoài, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cừ và hẻm nhỏ trên đường 3/2, đường 30/4… nhiều đoạn nước ngập sâu hơn nửa bánh xe khiến người dân di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, năm nay, không những mưa đến sớm gây ngập nặng mà sạt lở cũng diễn ra nhiều và thường xuyên ở các quận/huyện, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng vật chất bị dòng nước cuốn trôi giá trị lên đến con số hàng chục tỷ. Để ngăn chặn phần nào sự ngập úng, sạt lở, các địa phương có nguy cơ cao là Phong Điền, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ triển khai nhiều biện pháp phòng tránh như tuyên truyền vận động người dân gia cố đê bao, chằng chéo nhà cửa, đốn mé cây xanh đề phòng ngã đổ khi có giông lốc; tập trung hoàn thành các công trình xây dựng tường kè chống sạt lở bờ sông, nhất là các công trình mang tính khẩn cấp trên sông Trà Nóc, sông Cái Sắn, sông Ô Môn… để bảo vệ an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống cập các tuyến sông này.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Cần Thơ cho biết: "Vận động người dân những phần nào trong phạm vi của xã, của người dân gia cố được thì gia cố kịp thời, tránh tình trạng sạt lở kéo theo nhiều vấn đề. Riêng những chỗ sạt lở nguy cơ cao, những điểm đứt đoạn giao thông thì dùng ngân sách của huyện trong phạm vi đủ điều kiện để khắc phục".
Cùng với việc vận động người dân, TP. Cần Thơ đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến kè bờ sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Cái Sơn - Mương Khai, các âu thuyền… để chống sạt lở bờ sông, đảm bảo cảnh quan đô thị, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Các tuyến kè góp phần chống ngập, điều tiết nước cho vùng lõi của TP. Cần Thơ.
Song với tình hình thời tiết biến đổi khó lường, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo chính quyền các địa phương đôn đốc, đẩy nhanh hơn tiến độ thi công để sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm lượng nước ngập nội ô thành phố và sạt lở ở các vùng trọng điểm.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Toàn, đơn vị thi công kè sông Ô Môn chia sẻ, triển khai các mũi thi công thành nhiều bước, ví dụ như đúc cọc, đóng cọc, triển khai làm tường kè, thi công thảm đá rồi các hạng mục phụ trợ. Trong quá trình thi công nhà thầu cũng đang cố gắng quyết liệt thúc đẩy tiến độ, chia làm nhiều mũi thi công và tăng ca để đảm bảo công trình vào dịp mùa khô này nhanh nhất phục vụ cho mùa nước sắp tới.
Mới đây, TP. Cần Thơ đã đưa vào vận hành thử nghiệm lần cuối hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) trước khi đưa vào hoạt động chính thức, góp phần bảo vệ vùng lõi trung tâm TP. Cần Thơ trước rủi ro do ngập lụt, dự kiến sẽ hoạt động chính thức vào cuối tháng 6.
Hệ thống sẽ dự báo được mức nước, lượng mưa… từ đó mô phỏng để đưa ra cảnh báo sớm những vị trí nào sẽ ngập và vận hành đóng, mở các cống. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động và được điều khiển từ nhà điều hành, mọi thông tin đều được thể hiện qua màn hình để điều khiển từ xa.
Hai ngày nay, Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ đã phát đi bản tin cảnh báo giông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ tại khu vực Nam bộ. Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi TP. Cần Thơ thông tin, thành phố sẽ tổ chức rà soát, đốc thúc tiến độ thi công cụ thể của từng hạng mục công trình; tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư... để “về đích” trước khi mùa mưa đến.
Ông Việt cho biết, đẩy nhanh tiến độ có nghĩa là thực hiện hết sức khẩn trương, tức là tập trung hết nhân lực, vật lực để thực hiện tốt công việc ngoài hiện trường. Song song đó, Chi cục thủy lợi đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác mặt bằng; vận động người dân giao mặt bằng cho đơn vị thi công để thi công thuận lợi, sớm bàn giao công trình trước khi mùa mưa lũ về.
Bên cạnh các công trình, việc Cần Thơ xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập và dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 6 tới sẽ giúp thành phố thực hiện tốt công tác điều hành quản lý thiên tai nói chung và quản lý rủi ro ngập nói riêng. Từ đó, giao thông nội ô ổn định, người dân yên tâm di chuyển, nhất là giảm thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão.