Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang lâm vào tình trạng thiếu các bộ phận của Nga để hoàn thiện những thiết bị của mình, đây là thực tế mà chính quyền Kiev tránh đề cập nhưng không thể che giấu.
Giám đốc mua sắm của Công ty Ukroboronprom - ông Roman Avramov cho biết, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine đang thiếu 3.000 linh kiện mà cho đến năm 2014, nước này vẫn phải mua từ Liên bang Nga.
Trong 30 năm, Moskva đã bán linh kiện lắp ráp một số loại động cơ máy bay, turbine khí dành cho tàu thủy và các sản phẩm khác cho Kiev. Quan hệ thương mại chấm dứt khi sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea diễn ra vào năm 2014.
Tất nhiên trước khi xảy ra xung đột vũ trang ở Donbass, Nga cũng đã mua khá nhiều chi tiết quân sự từ Ukraine, thậm chí khi hứng chịu lệnh cấm vận do Kiev áp đặt thì Moskva cỹung phải đối diện không ít khó khăn.
Tuy nhiên từ tháng 9/2018, phần lớn các linh kiện quân sự nhập khẩu từ Ukraine bắt đầu được Nga sản xuất tại các nhà máy trong nước. Trong khi đó Kiev chưa thể tự hào về một kết quả như vậy.
Tại sao ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn phụ thuộc vào Nga, chuyên gia quân sự, Giám đốc thương mai tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" - ông Alexei Leonkov trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitRussia đã nêu một số ý kiến của mình.
Ông Leonkov lưu ý rằng sau năm 2014, hầu như tất cả các mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trong lĩnh vực hợp tác quân sự đã bị chấm dứt. Tuy nhiên Kiev cũng không được hưởng lợi từ một cuộc đối thoại tích cực với châu Âu.
“Các thành phần mới, chẳng hạn như từ Ba Lan, đã không xuất hiện. Những nỗ lực thiết lập cơ sở sản xuất với các nước thuộc khối Warsaw trước đây đã thất bại, cũng như ý định thu hút đầu tư của Mỹ vào một số loại vũ khí công nghệ mới”, ông Leonkov nói.
Người Mỹ cố tình đưa ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine về "trạng thái không" để trở thành nhà cung cấp duy nhất một số loại vũ khí, vị chuyên gia chắc chắn. Trong tương lai, Washington có kế hoạch bán thiết bị quân sự cho Kiev.
“Phía Mỹ không muốn một số đối tác của họ có nên công nghiệp quốc phòng độc lập và hùng mạnh, bởi họ nhận thấy đối thủ tiềm tàng trên thị trường vũ khí quốc tế”.
“Một ví dụ nổi bật là Ukraine, sau khi cắt đứt quan hệ với Nga liên quan đến nhiều chương trình hợp tác về vũ khí và trang thiết bị quân sự, nước này thực sự đã ký lệnh khai tử các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình”, chuyên gia quân sự Nga nhận định.
Trước đó, giới truyền thông đã biết về việc Ukraine không thể độc lập sản xuất đạn pháo cỡ lớn, Kiev buộc phải sử dụng nguồn dự trữ cũ hoặc mua từ nước ngoài.
Tình hình càng trở nên cấp bách khi nguy cơ nổ ra chiến tranh với Nga được nhận xét đã cận kề, nhưng Ukraine vẫn chẳng thể làm gì hơn ngoài việc đề nghị các quốc gia NATO từng là thành viên khối Warsaw nhượng lại cơ số đạn dược đã không còn tương thích theo chuẩn phương Tây.
Tại sao nền công nghiệp quốc phòng Ukraine suy tàn với tốc độ “nhanh khủng khiếp” vẫn là điều gây ra nhiều thắc mắc và chưa thể giải đáp thấu đáo, kể cả đối với nhiều chuyên gia quân sự khu vực.
Bạch Dương