Cộng đồng gốc Á chiến đấu với nạn phân biệt chủng tộc bằng nghệ thuật
Nhiều văn nghệ sĩ gốc Á, trực tiếp chịu đựng hoặc chứng kiến nạn phân biệt chủng tộc, đang tìm cách thay đổi nhận thức của cộng đồng thông qua nhiều tác phẩm độc đáo.
Hôm 16/1, vài ngày sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Connie Wang cùng gia đình đáp chuyến bay tới thành phố Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông, để thăm họ hàng. Gia đình nhà Wang lập tức bị đưa đi cách ly tập trung theo quy định phòng chống dịch.
“Mọi kế hoạch đều bị hủy bỏ”, cô Wang, 32 tuổi, cho biết cả gia đình không được phép ra ngoài vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Kỳ nghỉ của họ bỗng trở thành 14 ngày bị giam cầm trong một căn phòng nhỏ, nơi mọi người chẳng biết làm gì ngoài “cắt gọt trái cây”.
Sau khi gia đình Wang trở về Los Angeles (Mỹ), họ tiếp tục tự cách ly tại nhà riêng. “Trong những ngày dài lê thê ở nhà, tôi chợt tìm thấy niềm đam mê với ẩm thực. Công việc chế biến đồ ăn, cắt gọt hoa quả bỗng trở thành thú vui khá thư giãn”, cô Wang chia sẻ.
Từ những trải nghiệm “bất đắc dĩ” thời dịch, Wang bắt tay vào viết và xuất bản một cuốn hồi ký hôm 1/5. Tác phẩm này khắc họa nhiều cách thể hiện tình cảm “không lời” trong một gia đình người gốc Á.
“Chặng đường trưởng thành của mỗi chúng ta đều có những giá trị và vẻ đẹp riêng”, Wang chia sẻ. “Dù chúng ta thể hiện tình cảm bằng nhiều cách khác nhau, giá trị hàm chứa trong những hành động đó đều đáng trân trọng”.
Huffington Post nhận định cuốn hồi ký của Wang đã khơi gợi nhiều cảm xúc thân quen trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, giúp họ mở lòng và chia sẻ về những trải nghiệm của chính mình. Wang thấy vui mừng khi tác phẩm của cô được nhiều người gốc châu Á yêu thích.
Thay đổi nhận thức
Dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc đã thổi bùng làn sóng kỳ thị người châu Á. Kể từ giữa tháng 3, Mỹ ghi nhận hơn 1.700 trình báo về việc phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á, bao gồm sử dụng lời lẽ miệt thị hoặc trực tiếp hành hung.
Giống như cô Wang, giới văn nghệ sĩ gốc Á đang tìm cách thay đổi nhận thức của cộng đồng thông qua nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Tiểu thuyết gia Jessica Kim chuẩn bị thực hiện chương trình quảng bá sách tại 5 thành phố lớn của Mỹ. Tác phẩm với tựa đề “Đứng lên, Yumi Chung!” nói về cô bé 11 tuổi người Mỹ gốc Hàn và ước mơ trở thành diễn viên hài độc thoại.
Kế hoạch giới thiệu sách của Kim bị hủy bỏ do lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế di chuyển thời dịch. Song Kim vẫn không ngừng tìm cách để đưa “đứa con tinh thần” tới với độc giả trên toàn quốc.
Cô liên lạc với nhiều hội nghị sách trực tuyến và tham gia vào các sự kiện truyền thông trên không gian mạng. Chuyển đổi chiến dịch quảng bá sách sang nền tảng trực tuyến là một thử thách lớn đối với Kim.
Dù vậy, cô vẫn cố gắng hết sức vì “tiếp tục tiến bước là chìa khóa”. Là một người Mỹ gốc Á, Kim tin rằng mình có thể đánh bại nạn phân biệt chủng tộc thông qua những câu chuyện “đa chiều về cuộc sống của cộng đồng này”.
Chạm đến trái tim
Trong quá trình tham gia đóng phim “The Half of It” của nhà đài Netflix, diễn viên Leslie Woo kể rằng cô từng say mê trò chuyện với đạo diễn Alice Wu về tầm ảnh hưởng của bộ phim. “Chúng tôi lặp lại nhiều lần với niềm hy vọng rằng bộ phim có thể chạm đến trái tim của một đứa trẻ đơn độc nào đó”, nữ diễn viên 38 tuổi, Woo, chia sẻ với HuffPost.
Nạn phân biệt chủng tộc và bài xích người da màu là một thực tế, một vấn đề lâu đời tại Mỹ. Những bộ phim như “The Half of It” giúp cộng đồng người Mỹ gốc Á thấu hiểu văn hóa bản địa hơn, đồng thời cổ vũ tinh thần để người châu Á cùng vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
“The Half of It” kể về thiếu nữ người Mỹ gốc Hoa, Ellie Chu, giúp đỡ cậu bạn thân “tán đổ” một cô gái trong trường. Điểm đặc biệt là Ellie Chu cũng có cảm tình với cô gái ấy.
Ngoài chuyện tình cảm tuổi teen, “The Half of It” cũng khắc họa hình ảnh một cô bé gốc Á không tự tin giao tiếp trong môi trường học tập. Những thước phim nhẹ nhàng đã đưa người xem cùng cô bé Ellie Chu đi qua hành trình hoàn thiện bản thân.
Jack Chang, 23 tuổi, đã thưởng thức bộ phim trên nền tảng xem phim chung của Netflix, cho phép nhiều người cùng xem một bộ phim ở những nơi khác nhau. Dù không được gặp gỡ bạn bè, Jack tin rằng trải nghiệm xem chung “The Half of It” đã giúp anh vượt qua thời gian phong tỏa.
“Dù không tiếp xúc trực tiếp, tâm hồn của chúng tôi vẫn được kết nối thông qua những giá trị văn hóa sâu sắc trong bộ phim”, Jack chia sẻ. “Bộ phim thật tuyệt vời và đã thành công trong việc kết nối cộng đồng người Mỹ gốc Á với nhau. Nó giúp tôi vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại”.