Con tôi là thần đồng

Ai mà không muốn đứa con yêu của mình thông minh, học giỏi. Trong thời buổi hiện nay, mỗi gia đình thường chỉ có một đến hai con, nên những 'cậu ấm', 'cô chiêu' càng được kỳ vọng nhiều hơn.

1. Ông Tuân (Tiền Giang) đến 65 tuổi có được một cháu nội đích tôn nên cưng lắm. Khi bé Khang mới lẫm chẫm biết đi, ông thường cho lên nằm võng ngâm thơ ru nó ngủ. Cu cậu rất thích nghe ông nội “hát”. Cho đến một ngày, khi ông Tuân vừa đọc tới câu: Công cha như núi Thái Sơn… thì Khang lập tức đọc nối theo một cách trôi chảy mấy câu còn lại.

Quá ngạc nhiên, ông lại đọc một số bài thơ từng ru cháu ngủ để kiểm tra và trong lòng rộn ràng lên khi nghe Khang đọc theo vanh vách. “Vậy thằng cháu đích tôn của mình là thần đồng rồi. Mới hơn 2 tuổi mà nó thông minh đến thế. Tạ ơn trời đất!”. Chiều đó, ba mẹ của Khang đi làm về, ông trịnh trọng công bố phát hiện này và mọi người lại lắng nghe thần đồng ngọng nghịu đọc ra rả mấy bài thơ của ông nội.

Trong đầu óc của ông Tuân, Khang sẽ trở nên một thiên tài sau này nên càng cưng chiều cậu bé hơn. Ông lại dạy cho Khang những điều ông học hồi xưa như: Gia - nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau… Mỗi khi có khách đến nhà, ông lại mang cậu bé ra khoe. Như một cái máy, mỗi lần như vậy Khang lại bỏ dở trò chơi đứng khoanh tay đọc ro ro theo đề ra của ông nội. Nhiều người lấy lòng chủ nhà, xuýt xoa khen cậu bé thần đồng khiến ông càng hãnh diện.

 Giáo dục đúng cách để con trẻ có thể phát triển phù hợp với năng lực bản thân. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giáo dục đúng cách để con trẻ có thể phát triển phù hợp với năng lực bản thân. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Do gia cảnh khó khăn, anh chị Tâm (quận Gò Vấp, TPHCM) không được học tới nơi, tới chốn. Cả hai chỉ mới hết cấp 2 là phải ra đời kiếm sống nên khi lập gia đình với nhau, anh chị mong muốn những đứa con sau này phải thông minh để thực hiện được những điều mà cha mẹ không toại nguyện. Hai đứa con đầu ra đời trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Đến tuổi đi học thì được cha mẹ phó mặc cho nhà trường, và sức học của chúng cũng không có gì xuất sắc. Đến khi sinh ra bé Thảo thì anh chị Tâm đã có của ăn của để, vợ chồng có thời gian rảnh rỗi hơn để chăm lo việc học của các con. Khác với anh chị, Thảo là một bé gái có gương mặt sáng sủa và nhanh trí. Đến tuổi học mẫu giáo, bé Thảo thuộc rất nhiều bài hát và rành rẽ các con số. Có lần dạy cho cậu con kế học toán lớp 3, sẵn có bé Thảo lân la đến, chị Tâm ra một bài tính cộng và dạy cho bé làm. Bé Thảo cũng xòe tay đếm và làm như anh. Sau vài lần làm sai, bé cũng làm được toán trong phạm vi 10. Thấy thế, anh chị Tâm tiếp tục luyện cho bé Thảo làm những bài toán khác, cho học thuộc lòng những bài trong sách lớp 2, 3. Bé Thảo tiếp thu nhanh chóng khiến anh chị Tâm vô cùng mừng rỡ, cho rằng con mình là thần đồng nên ôm ấp nhiều kỳ vọng…

3. Những đứa trẻ như Khang và Thảo là những tờ giấy trắng, đầu óc chúng ghi nhận đủ mọi thứ nhưng chưa hiểu cặn kẽ và không đủ khả năng xử lý thông tin. Cho đến khi gặp dịp thì như một cái máy, nó sẽ tuôn ra hoặc làm theo. Sau này, đến tuổi đi học, được tiếp thu nhiều thứ, được dạy đúng phương pháp, trẻ sẽ dần quên hết những gì đã ghi nhận trước đây, hoặc chỉ còn nhớ một cách lờ mờ. Vì vậy, không thể tả nỗi thất vọng của ông Tuân lên đến mức nào khi đứa cháu “thần đồng” mà ông kỳ vọng không phải là ngôi sao trong lớp. Nó học cũng bình thường, nhiều môn còn kém bạn. Mới đầu, ông Tuân cho rằng cô giáo không biết khai thác tiềm năng “thần đồng” của cháu mình nên đến tận trường góp ý. Mặc dù được các thầy cô giải thích cặn kẽ ông vẫn không nghe, nằng nặc đòi cha mẹ Khang phải chuyển trường cho cháu. Kết quả, ở trường mới, Khang học càng kém hơn.

Còn bé Thảo cũng chẳng hơn. Tưởng bé thần đồng, nên khi Thảo mới 5 tuổi, mẹ bé dắt con đến trường xin cho vào học lớp 1. Sau khi kiểm tra, nhà trường không nhận vì bé chẳng có gì đặc biệt, ngoài việc đọc thuộc lòng như vẹt mấy bài học trong sách của anh chị và làm toán một cách máy móc.

Không chịu thua, anh chị Tâm bèn mua sách lớp 1 về dạy trước cho bé Thảo để sang năm, bé sẽ “cho các thầy cô giáo lác mắt” về sự vượt trội của mình. Thế nhưng, vượt trội đâu không thấy, mà mới mấy tháng đầu vào lớp 1, Thảo đã nhiều lần bị điểm kém. Hỏi ra mới biết, bài nào cô giáo dạy, bé cũng nghĩ mình đã học rồi (do cha mẹ dạy trước) nên chủ quan, lơ đãng.

Tan mộng có con thần đồng, anh chị Tâm tỏ ra chán nản, không còn quan tâm đến việc dạy dỗ cho Thảo như trước, khiến bé luôn vất vả trong việc học. May nhờ cô giáo biết chuyện, dành cho Thảo sự quan tâm đặc biệt nên bé mới theo kịp bạn bè.

Những trường hợp lầm lẫn như ông Tuân và anh chị Tâm không phải là hiếm. Có những bậc phụ huynh từ kỳ vọng quá mức, rồi thất vọng, đâm ra ruồng rẫy con cái khiến đứa trẻ hụt hẫng, dễ sa vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm. Theo các nhà tâm lý, việc khen ngợi những trẻ em như trên cần rất thận trọng. Cần phải có con mắt chuyên môn về sư phạm và tâm lý để đánh giá năng lực của từng cháu có vẻ như “tinh hoa phát tiết” sớm. Rất nhiều cháu do sáng dạ, do điều kiện gia đình nên có sự hiểu biết vượt trội trẻ cùng lứa, nhưng điều đó chưa phải là sự báo hiệu chính xác về năng khiếu hay thông minh vượt trội.

Việc đứa trẻ được cho là thần đồng, và cùng với đó là những tiết mục biểu diễn năng lực đọc, viết… chỉ nhanh chóng dẫn tới sự thui chột năng khiếu dạng mầm, dạng chồi ấy. Điều cần thiết là gia đình nhận ra điều này để đừng quá kỳ vọng rồi thất vọng. Hãy kết hợp với nhà trường để hướng dẫn, giáo dục con cái mình học tập đúng phương pháp.

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-toi-la-than-dong-post755591.html