Còn đâu nghĩa đồng hương!
Chẳng nể tình nơi chôn nhau cắt rốn, những người đồng hương không ngần ngại đưa nhau ra chốn công đường...
Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP HCM tuyên bố giữ nguyên mức án sơ thẩm 1 năm tù cho hưởng án treo về tội "Cố ý gây thương tích" đối với bị cáo L.A. Trong vụ án, bị hại và bị cáo cùng quê ở tỉnh Bình Định. Đưa gia đình vào TP HCM kiếm kế sinh nhai, họ cùng trọ ở TP Thủ Đức. Kinh tế không ai khá hơn ai nhưng họ nhất quyết đưa nhau ra tòa, một phen "ăn thua đủ".
Hơn thua đến cùng
Ông L.A và ông T.V.T (SN 1981) cùng bán hành, tỏi dạo bằng xe máy quanh chợ Phú Thuận, quận 7, TP HCM.
Sáng 10-6-2020, ông L.A dựng xe máy trước cửa chợ rồi đi vào trong. Khi quay ra xe, ông A. thấy ông T. đậu xe máy sát bên. Lúc này, ông T. đang bán hàng cho 2 người khách. Ông A. cho rằng ông T. cố tình đi theo phá việc làm ăn của mình. Gần cả tháng nay, ông T. bán hành, tỏi với giá thấp hơn hoặc bằng giá vốn. Ông A. trần tình đó là nguyên cớ ông cầm búa đánh đồng hương. Hai người xô xát ở cổng chợ.
Bị thương, ông T. trình báo và yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Theo kết quả giám định, ông này thương tật 1%. Tòa sơ thẩm phạt bị cáo L.A 1 năm tù cho hưởng án treo về tội "Cố ý gây thương tích". Cho rằng bản án chưa thấu tình đạt lý, bị hại làm đơn kháng cáo.
Ra tòa phúc thẩm, bị cáo trần tình ông không có ý tước đoạt tính mạng người đồng hương mà chỉ muốn hù dọa nhằm ngăn cản bị hại đi theo phá rối việc buôn bán. Cụ thể, bị hại đi theo bị cáo đến nhiều nơi rồi bán hàng "phá" giá. Nhắc đến khoản bồi thường 20 triệu đồng, bị cáo thở dài: "Số tiền đó tương đương 3 tháng thu nhập của tôi. Tôi là lao động chính trong gia đình, vợ cùng 3 đứa con đều trông chờ vào xe hành, tỏi này".
Nghe đồng hương than vãn, bị hại khăng khăng đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử bị cáo về tội "Giết người". Ông T. tố cáo lại: "Tôi buôn bán ở đó hơn chục năm. Một năm nay bị cáo mới đến bán. Bị cáo từng không ít lần bán "phá" giá, cố tình giành khách. Một ngày đi bán, tôi kiếm bình quân 500.000 đồng. Thời gian dưỡng thương, tôi không làm ra đồng nào. Chưa kể người chăm sóc tôi không thể đi làm". Chính vì thế, bị hại đòi bị cáo bồi thường khá nhiều khoản chi phí.
Chủ tọa phiên phúc thẩm ngỏ ý khuyên nhủ hai bên hòa giải. Theo ông, 2 người đều từ tỉnh Bình Định đến TP HCM buôn bán, kiếm tiền lo cho gia đình. Vì tình đồng hương, đôi bên nên nhún nhường. Tuy nhiên, cả bị cáo lẫn bị hại đều không muốn như vậy. Dường như họ nhất định hơn thua đến cùng.
Không thể hòa giải, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với bị cáo L.A.
Kiện cáo chưa xong, nghĩa tình đã mất
Không hy hữu như những vụ việc có yếu tố hình sự, tranh chấp tài sản giữa những người đồng hương ngày càng nhiều.
Năm 2002, bà Đ.T.X mua khu đất hơn 8.000 m2 từ vợ chồng ông P.T.Đ (ngụ tỉnh Bình Dương) với giá hơn 300 triệu đồng. Hai người là đồng hương. Họ đưa nhau vào tỉnh Bình Dương lập nghiệp. Đi làm thủ tục sang tên, bà X. mới biết mảnh đất có phần diện tích nằm trong khu quy hoạch. Do đó, bà không thể sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bảy năm sau, nhà nước thu hồi đất và tiến hành bồi thường. Không rõ lý do, gia đình ông Đ. nhận hơn 2 tỉ đồng tiền đền bù phần đất thuộc diện quy hoạch.
Vì thế, bà X. khởi kiện, yêu cầu người đồng hương tiếp tục thực hiện theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đối với phần đất không nằm trong quy hoạch. Đồng thời, bà X. yêu cầu ông Đ. cũng như cơ quan có thẩm quyền công nhận bà mới là người có quyền nhận tiền đền bù phần đất mà nhà nước thu hồi.
Ông Đ. đưa ra diễn biến hoàn toàn trái ngược. Ông giải thích bà X. chỉ đặt cọc 50 triệu đồng. Do đồng hương không thanh toán số tiền còn lại đúng hạn nên vợ chồng ông không bán đất nữa. Bị đơn khẳng định vợ chồng ông không làm hợp đồng chuyển nhượng như lời bà X.
Nguyên đơn thắng kiện ở tòa sơ thẩm. Không đồng tình, bị đơn kháng cáo. Ra tòa phúc thẩm, bà X. tiếp tục trình ra 4 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những văn bản này không có xác nhận từ chính quyền sở tại.
"Gia đình tôi đã quản lý và canh tác trên mảnh đất này nhiều năm nay. Rất nhiều người có thể làm chứng" - nguyên đơn nhấn mạnh.
Bị đơn nói rằng vì đời sống khó khăn nên gia đình ông chuyển qua xã khác trồng trọt, sinh sống. Ông gắt gỏng: "Chỉ có bà ấy là đồng hương ở đây nên vợ chồng tôi tuyệt đối tin tưởng. Bởi thế, tôi mới nhờ bà ấy trông coi đất sau khi chuyển nhà".
Phiên tòa kết thúc với lợi thế nghiêng về phía nguyên đơn. Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị 2 bản án. Xử giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP tuyên bố hủy 2 bản án sơ lẫn phúc thẩm vụ kiện trên.
Đến nay, câu chuyện tranh chấp giữa 2 người cùng nơi "chôn nhau cắt rốn" chưa có hồi kết. Duy chỉ tình nghĩa đồng hương có lẽ kết thúc vĩnh viễn từ khi họ đưa nhau ra tòa, tranh đất - giành tiền.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/con-dau-nghia-dong-huong-2021040920291954.htm