Con chở ba đi chúc Tết họ hàng

Ngày nhỏ ba chở con đi, nay ba già rồi thì con chở ba đi…

Con đường ngày xưa đầy ắp kỷ niệm, ba thường chở con đi vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mùng một Tết là ngày đẹp nhất trong năm. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ba lặng lẽ chở tôi đi thăm, chúc tết họ hàng.

Không khí tết quê tôi những năm đầu thiên niên kỷ mới tuy giản dị, đơn sơ mà ấm cúng. Khắp các con đường, ngõ hẻm, len lỏi trong không gian đều dậy lên mùi thơm dìu dịu của hương trầm. Nhìn lên bàn thờ từng căn nhà, ngoài bộ lư đồng sáng choang, hoa huệ trắng, cúc vàng, tôi thấy ngập tràn bánh in, bánh tháp, bánh phục linh… đủ màu sắc lẫn trong hương bánh tét, mứt tết thơm lừng. Có nhà như sáng rực lên bởi những cành mai vàng tươi cùng đua nhau khoe sắc trước ngõ.

Tác giả và ba. Ảnh: Võ Thị Bích Ngọc

Ngồi sau lưng ba, tôi được nghe ba kể rất nhiều điều. Qua mỗi căn nhà, ngã ba đường, hay ngõ ngách trong xóm, trong thôn, ba đều giới thiệu về những kỷ niệm gắn liền với ba từ thời còn chiến tranh đến giờ. Ba dặn, làm ăn quần quật quanh năm, được có mấy ngày tết, mình tranh thủ đi thăm bà con họ hàng, vì con người sống với nhau, phải có nghĩa có tình, phải biết anh, biết em, biết họ, biết hàng.

Nơi đầu tiên hai ba con tôi đến bao giờ cũng là nhà nội. Ông bà nội tôi đã mất từ lâu, từ sau ngày đất nước giải phóng. Tôi chỉ biết mặt ông bà qua tấm ảnh thờ trên vách tường. Nhà nội bây giờ chỉ có thím Mười - vợ của chú Mười Kích, em trai ruột của ba tôi. Chú Mười tôi cũng đã mất trước khi chị tôi sinh ra.

Tác giả và nhân vật “Thím Mười” trong bài viết. Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến

Thím Mười thương tôi như con ruột. Cái gì thím cũng để dành cho tôi ăn. Suốt mấy năm nhà tôi đói kém, thấy chị em tôi nhịn đói đi học, thím Mười thường đút vào túi tôi mấy đồng bạc lẻ, dặn phải mua xôi ăn sáng để có sức mà học.

Đến chúc tết nhà nào, ba cũng dạy tôi cách thắp nhang, thành tâm khấn mời tổ tiên ông bà, cô bác, con cháu hai họ về ăn với gia đình bữa cơm, phù hộ độ trì cho cả nhà tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, chuyện dữ mang đi, chuyện lành đem tới.

Tôi đứng cạnh bên, dỏng tai nghe hết không sót một lời khấn vái nào, rồi thuộc lòng tới tận bây giờ. Mỗi khi cúng kiếng, tôi lại khấn vái y chang như ba ngày trước.

***

Thời gian cứ thế trôi đi, bao mùa tết trôi qua. Chị em tôi đã lớn và trưởng thành, cuộc sống nhà tôi cũng dần khấm khá hơn. Tôi được vào TPHCM học đại học. Nhờ tiền học bổng mà tôi mua được cho ba một chiếc xe máy cũ.

Tôi lớn lên thì ba lại già đi. Tôi đã không còn là đứa trẻ ngồi sau lưng ba ngày nào. Mỗi lần về quê ăn tết, vừa bước chân vào ngõ là ba đã dặn phải đi thăm người này người kia. Bởi ba không còn đủ sức để chở tôi sau lưng.

Ba tôi năm nay đã hơn 85 tuổi. Tai nạn trong một lần tự đạp xe đi thăm bà con làng bên đã khiến ba tôi không thể đi lại bình thường được nữa cho đến cuối đời. Chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng vô cùng chắc khỏe của ba, phải oằn mình chở hai cha con từ mùa tết này qua mùa xuân nọ, nay lại được ba cất giữ như một kỷ vật. Từ đó, tôi thay ba thắp nhang cúng tết, chở ba đi thăm bà con họ hàng trong những ngày tết sum vầy.

Dường như hình ảnh cha già, con muộn đèo nhau đi chúc tết đã là một khung cảnh thân quen đối với người dân làng tôi bao nhiêu năm nay. Đi đâu ai cũng ngoái nhìn, chào hỏi tử tế. Mỗi khi ai đó hỏi về tôi, ba đều mỉm cười “Tui dẫn nó theo để cho nó biết họ, biết hàng”.

Lúc ấy, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, bởi những câu động viên tinh thần của những cô, dì, chú, bác trong làng mà cả năm hoặc có khi cả chục năm trời tôi mới gặp mặt.

Thím Mười giờ đã già, mắt đã không còn sáng như trước, nhưng vẫn còn nhận ra đứa cháu mà mình thương quý. Đi làm có tiền, gặp thím, tôi vẫn thỉnh thoảng nhét vào tay thím chút tiền dặn mua bánh trái, thuốc men. Nhưng thím không bao giờ lấy, đút lại vào trong túi tôi.

***

Trong hội ngộ đã nảy mầm chia ly. Tôi miên man suy tưởng về triết lý vô thường này. Ngày nhỏ ba chở con đi, nay ba già rồi thì con chở ba đi. Tôi sẽ chở ba đi đến từng nhà thăm từng bà con họ hàng, đến khi nào ba không đi được nữa thì thôi. Dẫu có người bà con năm nào răng đã rụng hết, không còn nhận ra tôi là đứa con nít năm nào được ba chở sau lưng trên chiếc xe đạp cũ cứ kêu cút ca cút kít hoài…

Tôi nghĩ đến sự tiếp nối của những cuộc đoàn viên, nghĩ đến tương lai, nghĩ về những mùa xuân sau này… Tôi sẽ chỉ cho các con tôi từng gương mặt bà con, họ hàng nhà mình. Bởi lẽ, các con sẽ thay tôi làm sứ mệnh ấy.

Tôi cũng sẽ không quên ghi chép lại hết những kỷ niệm, lưu lại những khoảnh khắc cùng ba trong hành trình đi thăm nguồn cội, vui với những ngày tết đoàn viên thân tình. Tôi sẽ lưu giữ nó như lưu giữ nguồn sức mạnh tinh thần vô giá trong cuộc đời.

NGŨ THANH TUYẾN

Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-cho-ba-di-chuc-tet-ho-hang-post727089.html