Cố ý làm lộ đề thi THPT có thể bị phạt 15 năm tù

Theo luật sư, đề thi của các môn học liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là bí mật nhà nước ở mức độ 'tối mật'. Việc cố ý làm lộ, lọt đề thi THPT có thể bị phạt tù tới 15 năm.

Bảo đảm bí mật đề thi tốt nghiệp THPT luôn là vấn đề được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh các thiết bị công nghệ hỗ trợ cho việc gian lận thi cử ngày một trở nên tinh vi. Trên thực tế, không ít trường hợp cố ý phát tán, làm lộ, lọt đề thi đã bị phát giác và xử lý.

Có thể kể đến như vụ việc làm lộ đề thi THPT môn Ngữ văn và môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khiến 2 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan. Vậy theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý phát tán hoặc làm lộ, lọt đề thi có thể bị xử lý ra sao?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước năm 2018, bí mật nhà nước được hiểu là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời theo quy định tại điểm a khoản 8 điều 7 Luật Bí mật Nhà nước đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia được coi là bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại khoản 1, 2 điều 16 Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi bởi khoản 8 điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 22/4/2024.

Theo đó, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "tối mật". Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi hết giờ làm bài của bài thi/môn thi cuối cùng của kỳ thi. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận.

Việc ra đề thi, in sao đề thi (gọi chung là làm đề thi) phải được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến hết thời gian thi môn cuối cùng của kỳ thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng ngừa lộ lọt thông tin, phòng cháy, chữa cháy. Việc cách ly 3 vòng độc lập của Khu vực làm đề thi được thực hiện như sau:

Vòng 1 được cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi bắt đầu thực hiện làm đề thi hoặc mở đề thi gốc để in sao cho đến khi thi xong môn cuối cùng. Trước khi thực hiện làm đề thi, Hội đồng ra đề thi/Ban in sao đề thi phải phối hợp với công an để xây dựng phương án bảo đảm an ninh an toàn cho công tác làm đề thi, kiểm tra bảo đảm cửa sổ các phòng phải được dán kín và được công an cùng với lãnh đạo Hội đồng ra đề thi/Ban in sao đề thi niêm phong bảo đảm không thể nhìn được từ bên ngoài.

Vòng 2 là khu vực tiếp giáp vòng 1 và vòng 3, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng. Người làm nhiệm vụ tại vòng 2 có nhiệm vụ: Giám sát mọi cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định; là đầu mối giao tiếp thông tin với bên ngoài; kiểm soát người, đồ vật từ vòng 3 vào vòng 2 và ngược lại.

Vòng 3 là khu vực tiếp giáp vòng 2 và bên ngoài. Người làm nhiệm vụ tại vòng 3 có nhiệm vụ: Bảo đảm an ninh trật tự xung quanh khu vực làm đề thi 24 giờ/ngày; kiểm soát không để người không có nhiệm vụ hoặc thiết bị thu phát thông tin vào khu vực làm đề thi; ghi sổ theo dõi người, đồ vật ra/vào khu vực bảo vệ; yêu cầu tất cả những người ra/vào phải đeo thẻ do Hội đồng ra đề thi/Hội đồng thi cấp.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Việc tổ chức công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho quá trình làm đề thi thực hiện theo văn bản hướng dẫn chung giữa Bộ GDĐT và Bộ Công an.

Như vậy, theo các quy định nêu trên đề thi và đáp án của các môn học liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được coi là bí mật nhà nước ở mức độ "tối mật". Trong phạm vi thẩm quyền các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các công việc nhằm mục đích bảo vệ các bí mật nhà nước.

Khi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước chưa được công bố, người nào có hành vi tiết lộ, cung cấp thông tin mang bí mật nhà nước, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Cụ thể, người thực hiện hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, đăng tải, phát tán bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật hoặc truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông không đúng quy định của pháp luật có thể bị xử phạt 20-30 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Đối với cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm mức phạt gấp 2 lần so với cá nhân, mức phạt sẽ là 40-60 triệu đồng.

Chủ thể thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước có thể bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-y-lam-lo-de-thi-thpt-co-the-bi-phat-15-nam-tu-16924062722251266.htm