Có tiền, đầu tư vào đâu?
Từ nay đến cuối năm, với nền tảng kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng, cơ hội dành cho các nhà đầu tư sẽ nhiều hơn. Trong bối cảnh này, đầu tư vào đâu để sinh lời mà vẫn an toàn đang là câu hỏi được nhiều người dân quan tâm.
Vĩ mô nhiều điểm sáng
Với những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2024, các chuyên gia cho rằng, có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định trong nửa cuối năm nay. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5%.
Cụ thể, trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, vượt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15-16% cho cả năm. Chính sách tỷ giá ổn định, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế cũng được tiếp tục.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, các biện pháp tiền tệ dù chưa thật bền vững nhưng dần cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Điều này đúng như kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn đó là lạm phát dưới 4,5%, tiền đồng mất giá dưới 5% và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng. Thâm hụt ngân sách vẫn được đảm bảo như mức Quốc hội đã phê chuẩn và tỷ lệ nợ công trên GDP khá ổn định, kỷ cương kỷ luật tài chính có chuyển biến tích cực.
Một điểm sáng vĩ mô khác là các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ có hiệu lực. Đó là ba bộ luật bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 cùng các các nghị định đã được Thủ trướng phê duyệt.
Theo đó, thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các luật và nghị định quan trọng này. Đặc biệt khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc.
Thận trọng với vàng, tiết kiệm đợi tăng lãi suất
Dự báo về các kênh đầu tư trong nửa cuối năm 2024, một số chuyên gia khuyến nghị, vàng là kênh cần cẩn trọng, còn chứng khoán và bất động sản có thể cân nhắc, tham khảo.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng là lĩnh vực đầu tư có lẽ nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. “Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ trong chương trình bình ổn giá, nhưng giá vàng nhẫn lại đang tăng mạnh và vượt giá vàng miếng, một hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới”- ông Hiếu phân tích.
Phía đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng từng lên tiếng hồi nửa cuối tháng 7/2024 về việc giá vàng thế giới biến động với biên độ rất mạnh. Yếu tố chính trị, kinh tế thế giới đang ảnh hưởng mạnh khiến giá vàng có những diễn biến hết sức phức tạp. "Ít ngày gần đây giá vàng biến động với biên độ rất cao, ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Do đó người dân cần hết sức thận trọng trong việc mua bán vàng" - đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cảnh báo.
Về kênh đầu tư tiết kiệm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm có 2 yếu tố có thể tác động và làm tăng lãi suất cho vay. Thứ nhất lãi suất huy động tăng bởi các ngân hàng tăng muốn nguồn vốn dồi dào để có thể cho vay trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, nợ xấu trong hệ thống đang tăng, nợ xấu nội bảng đã lên tới 4,5% trên tổng dư nợ, nếu kể cả nợ ngoại bảng nợ xấu có thể lên tới 5,5 - 6%. Nợ xấu tăng buộc các ngân hàng huy động với lãi suất cao hơn. Và lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. "Lãi suất huy động có thể tăng 0,5-1% từ nay đến cuối năm. Do đó người gửi tiền nên chỉ gửi tiền ngắn hạn để chờ lãi suất cao hơn"- ông Hiếu nói.
Chứng khoán lạc quan, bất động sản chờ dài hạn
Dựa trên những phân tích vĩ mô và vi mô, Giám đốc đầu tư của Sơn Kim Retail Trần Tuấn Tài đánh giá, chứng khoán là lựa chọn đáng để cân nhắc. Bởi khi áp lực tỷ giá giảm thì đồng tiền đầu tư sẽ quay trở lại. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường cổ phiếu (HOSE, HNX, UPCoM) trong 6 tháng đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại ngày 28/6/2024 đạt hơn 7,066 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào cuối tháng 6/2024.
"Chúng ta có thể tham khảo cổ phiếu của các nhóm ngành đã qua đáy như cá tra, bán lẻ, tôm, dệt may, da giày… Ngược lại, với những nhóm ngành được nhận định chưa qua đáy, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng"- ông Trần Tuấn Tài khuyến nghị.
Với kênh đầu tư bất động sản, tại hội thảo, Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group Võ Hồng Thắng cho biết, thị trường đang rất chờ đợi việc 3 luật động sản là Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, rất khó để có thể có sự tăng trưởng đột biến về giá cũng như cung trong thị trường. Về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư, và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Ông Thắng đánh giá các bộ luật cần 6-12 tháng mới thực sự thẩm thấu vào thị trường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-tien-dau-tu-vao-dau-780529.html