Có thể xây dựng mô hình đặc khu kinh tế cho Phú Quốc?
Cùng với các điểm đến dọc chiều dài đất nước như Đà Nẵng, Mũi Né, Nha Trang và Vũng Tàu, Phú Quốc là một trong những điểm du lịch biển đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Điều đặc biệt thu hút khách du lịch nước ngoài tới Phú Quốc là nước biển ấm áp quanh năm, những bãi biển hoang sơ màu ngọc bích cùng bạt ngàn những khu rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn.
Đầu tư bùng nổ nhưng có nhiều bất cập
Với những lợi thế như vậy, Chính phủ Việt Nam tràn đầy “tham vọng” biến Phú Quốc từ một hòn đảo ít người biết tới thành một địa điểm du lịch ưa thích cho khách phương Tây, thậm chí có thể cạnh tranh với những hòn đảo du lịch nổi tiếng trong khu vực như Phuket hay Bali.
Thực tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhanh chóng tiến vào thị trường đầy tiềm năng này. Tính đến đầu năm 2014 có tổng cộng 190 nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào hòn đảo này. Khoảng 100 dự án được phê duyệt với tổng diện tích gần 4.296 ha, gồm những dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc Bãi Trường, dự án sân gôn và kể cả sòng bạc.
Mặc dù vậy, ngoài hệ thống những khách sạn quy mô nhỏ và vừa hiện hữu dọc Bãi Trường, hòn đảo này về cơ bản vẫn chưa được phát triển trên diện rộng và không giống như Phuket, một mô hình mà Phú Quốc đang hướng tới. Du khách không thể tìm thấy bất kỳ hoạt động vui chơi giải trí nào ở đây vào buổi tối. Chỉ một vài dự án được khởi công xây dựng gần đây, trong khi tất cả các dự án còn lại, phần lớn trong đó là các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chỉ nằm trên giấy.
Lượng khách du lịch đến Phú Quốc gia tăng liên tục trong những năm gần đây, trung bình tăng khoảng 24% trong 7 năm qua. Năm 2013 hòn đảo này đã thu hút 622.479 lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa chiếm tới 80%. Phần lớn du khách quốc tế đến từ các nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Nga. Một số du khách khách đến từ Úc, Mỹ và một vài nước Châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Du khách Nga không mặn mà với Phú Quốc do giá thuê phòng ở đây thường cao hơn so với Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phan Thiết, thêm vào đó các dịch vụ giải trí ở Phú Quốc không được đa dạng như các nơi khác. Với số khách sạn đạt chuẩn ở Phú Quốc khá hạn chế, các hãng du lịch thường phải ký hợp đồng với chi phí cao hơn 30% so với các nơi khác, điều này làm cho các du khách không được hài lòng.
Thị trường khách sạn đang “trăm hoa đua nở”
Thực tế, so với các TP du lịch lớn như Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng và thậm chí so với hai TP lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thị trường khách sạn cao cấp tại Phú Quốc có kết quả hoạt động tốt nhất. Doanh thu trên phòng trung bình của hai khách sạn cao cấp nhất tại Phú Quốc trong năm 2013 là 124 USD, trong khi “thủ đô resort” Mũi Né chỉ đạt mức 115.80 USD, TP. Hồ Chí Minh đạt 123.20 USD và thủ đô Hà Nội đạt mức 102.27 USD.
Công suất phòng trung bình các khách sạn cao cấp tại Phú Quốc được giữ ổn định trong ba năm qua là khoảng 75%. Các khách sạn có quy mô nhỏ (từ 17 tới 43 phòng) thường đạt công suất phòng từ 80% trở lên. Các khu nghỉ dưỡng được xây dựng theo phong cách bungalow có xu hướng đạt được công suất phòng cao hơn so với các khách sạn dạng khối cao tầng, cho thấy sự ưa thích của khách du lịch với loại hình này tại Phú Quốc.
Các đặc tính của thị trường khách sạn tại Phú Quốc sẽ cơ bản được thay đổi khi Vinpearl Phú Quốc Resort & Spa 5 sao được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2014. Một khách sạn năm sao khác là Salinda Premium Resort & Spa (120 phòng) đầu tư bởi tập đoàn Salinda, cũng được đưa vào hoạt động trong năm 2014.
Ngoài hai khu nghỉ dưỡng đình đám trên, hàng loạt các dự án khác cũng vừa khởi công xây dựng trong những tháng gần đây như khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phu Quoc được đầu tư bởi Tập đoàn BIM Group với 400 phòng khách sạn hạng sang; khách sạn 4 sao Novotel Phu Quoc Resort nằm trong khu phức hợp Sonasea Villas & Resort (80ha) đầu tư bởi Tập đoàn CEO với 406 phòng khách sạn hạng sang và 40 bungalow; khu phức hợp Sunset Sanato Premium (24ha) đầu tư bởi Công ty Chín Chín Núi. Tất cả những dự án nêu trên đều nằm tại khu vực Bãi Trường và dự kiến hoàn thành trong năm 2015-2016.
Có thể xây dựng mô hình đặc khu kinh tế cho Phú Quốc
Nhìn chung, với vẻ đẹp hoang sơ và yên bình, Phú Quốc là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Việt Nam. Theo công ty tư vấn CBRE, có rất nhiều lý do để Chính phủ Việt Nam đề xuất mô hình đặc khu kinh tế cho hòn đảo này, nhờ đó hòn đảo có thể được hưởng tất cả các chính sách ưu đãi như đối với các khu công nghiệp và khu chế xuất. Những chính sách này bao gồm ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư e ngại là hệ thống cơ sở hạ tầng của hòn đảo này. Cho dù Chính phủ có giảm bao nhiêu tiền thuế và gỡ bỏ những rào cản để giúp hòn đảo này phát triển, việc thiếu hụt những cơ sở hạ tầng cơ bản như đường nhựa kết nối sẽ là một cản trở lớn đối với sự phát triển của đảo. Bài học từ quốc gia láng giềng Campuchia cho thấy việc đưa vào hoạt động một sân bay quốc tế chưa đủ để kéo khách du lịch nước ngoài tới, ví dụ sân bay tại thành phố biển Sihanoukville sau sáu năm hoạt động vẫn chỉ có một vài đường bay quốc nội.
Dù số lượng khách sạn tại Phú Quốc không nhiều, nhưng số lượng lao động có chất lượng để phục vụ cho thị trường Phú Quốc vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Với khoảng 1.000 phòng khách sạn sẽ được hoàn thành trong hai năm nữa, cuộc chiến tranh giành lao động sẽ còn quyết liệt hơn. Nếu như không có kế hoạch xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo và trường dạy nghề kịp thời, các nhà đầu tư khách sạn sẽ còn phải hứng chịu chi phí lao động giá cao.
Mặt khác, những thay đổi liên tục trong việc hoạch định chính sách của chính quyền địa phương được cho là đang thách thức sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư.