Cơ sở dạy nghề hơn 9 tỷ đồng dành cho người khuyết tật bị bỏ hoang

Nhằm giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư hơn 9 tỷ đồng xây dựng cơ sở dạy nghề cho NKT ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Nhưng đưa vào sử dụng một thời gian, cơ sở dạy nghề này đã dừng hoạt động và tình trạng này kéo dài gần một năm nay, gây không ít lãng phí cũng như bức xúc cho dư luận ở địa phương.

Năm 2015, cơ sở dạy nghề của NKT ở thôn Song Nam, xã Cương Gián, trực thuộc Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh được hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích 1ha, gồm các hạng mục: Phòng học, phòng thực hành, phòng làm việc và nhà ở nội trú. Vậy nhưng, không lâu sau khi đi vào hoạt động, cơ sở dạy nghề được xây dựng khá khang trang này gặp khó do thiếu kinh phí duy trì. Đến nay, cơ sở đã ngừng hoạt động và bị bỏ hoang.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do bị bỏ hoang lâu ngày nên hiện nhiều hạng mục của cơ sở dạy nghề đã xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm từ bên ngoài đến bên trong khuôn viên. Anh Nguyễn Văn Kỷ, một người dân sinh sống cạnh cơ sở này cho biết: “Thời gian đầu, ngoài dạy nghề cho NKT, cơ sở cũng mở một số khóa hướng dẫn cho người dân trong xã Cương Gián cách trồng rừng. Tuy nhiên, thời điểm đông nhất, học viên khuyết tật về đây học tập cũng chưa đến 10 người. Học viên đa số đến từ các huyện khác trong tỉnh và số lượng giảm dần theo từng năm. Do không có học viên nên gần một năm nay cơ sở này dừng hẳn hoạt động. Cơ sở dạy nghề cho NKT được đầu tư hơn 9 tỷ đồng mà bỏ hoang thì thật sự là lãng phí”.

 Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ hoang.

Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ hoang.

Được biết, cơ sở dạy nghề ở xã Cương Gián thực chất là nơi thực hành trồng trọt và chăn nuôi của các học viên khuyết tật sau khi được đào tạo tại cơ sở dạy nghề ở TP Hà Tĩnh. Quá trình thực hành là để học viên nâng cao tay nghề và có việc làm tạo thêm thu nhập. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hằng năm được tỉnh bố trí cho trung tâm chỉ đủ phục vụ cho cơ sở dạy nghề ở TP Hà Tĩnh, còn cơ sở dạy nghề ở xã Cương Gián phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn xã hội hóa. Do vậy, mới triển khai được ít khóa thực hành thì gặp khó khăn, kinh phí duy trì tái sản xuất không có nên cơ sở này phải tạm ngừng hoạt động, học viên phải đến các trang trại của người dân để thực hành.

Ông Thái Ngọc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Cơ sở dạy nghề cho NKT ở xã Cương Gián nằm trong dự án trồng rừng, trang trại chăn nuôi và đào tạo dạy nghề cho NKT do đơn vị này làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2012 đến 2015, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc đào tạo và thực hành trên diện tích 1ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng; giai đoạn 2 xây dựng khu trồng trọt và chăn nuôi trên điện tích 67ha. Mục tiêu của dự án là đào tạo và giải quyết việc làm cho NKT, giúp các em có việc làm ổn định. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, dự án gặp nhiều khó khăn do không duy trì được nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ hoạt động của trung tâm, vì vậy việc triển khai công tác dạy nghề tại trung tâm phải tạm dừng".

Rất mong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Tĩnh sớm có giải pháp đưa cơ sở dạy nghề này trở lại hoạt động, tránh tình trạng xây xong rồi bỏ hoang như hiện nay.

Bài và ảnh: THẾ MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/co-so-day-nghe-hon-9-ty-dong-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-bi-bo-hoang-609396