Cổ phiếu hàng xa xỉ chứng kiến nhiều biến động trong năm 2023
Cổ phiếu hàng xa xỉ đã có những tín hiệu trái chiều trong năm 2023, với thành tích khá tốt lúc đầu nhưng lại gặp trục trặc ở giai đoạn giữa và cuối…
Sự biến động của cổ phiếu hàng xa xỉ trong năm nay được cho là bởi chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia làm xói mòn thu nhập khả dụng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng hướng tới những hàng hóa thiết thực và có giá vừa phải hơn nhằm để tiết kiệm chi tiêu.
Những bất ổn địa chính trị gia tăng cũng đã làm giảm sút sự hào hứng hàng xa xỉ đối với người tiêu dùng. Theo bà Pauline Brown, cựu chủ tịch LVMH Bắc Mỹ chia sẻ: “Hàng hóa xa xỉ, việc mua hàng hóa xa xỉ là một hoạt động mang tính tâm lý. Không ai cần một ly sâm panh, không ai cần một chiếc đồng hồ hay một chiếc vòng cổ kim cương. Để mua nó cho chính mình hoặc như một món quà món quà, bạn thực sự phải ở trong trạng thái tâm trạng thích hợp. Khi chúng ta chứng kiến những biến động nguy hiểm xảy ra, ham muốn chi tiêu vào những thứ được coi là phù phiếm sẽ giảm đi”.
Tính đến phiên giao dịch 29/12, cổ phiếu LVMH đã tăng 9,5% trong năm nay lên 736,80 Euro/cổ phiếu - chủ yếu nhờ hiệu quả hoạt động mạnh mẽ trong quý đầu tiên, đặc biệt là ở Nhật Bản và Châu Âu. Việc dỡ bỏ các hạn chế ở một số thị trường lớn nhất như Trung Quốc vào đầu năm cũng góp phần phục hồi doanh số bán hàng. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, nhu cầu về rượu vang và rượu mạnh cao cấp lại lao dốc. Một trong những nguyên nhân là do Hennessy Cognac - vốn chiếm gần 30% thị phần - kéo cả phân khúc đi xuống khi doanh số cognac là khá đáng thất vọng, chủ yếu được thấy ở Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Khác với LVMH, cổ phiếu của đối thủ Kering đã giảm 16,2% kể từ đầu năm đến nay xuống còn 400,95 Euro/cổ phiếu. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ về quyết định “khởi động” lại Gucci dưới con mắt và tầm nhìn của nhà thiết kế Sabato de Sarno, người có nhiều năm kinh nghiệm tại Prada và Valentino. Không phải ai cũng thấy thuyết phục về động thái này, bởi nhiều người có cảm giác như thể sự đổi hướng sẽ làm xói mòn một số đặc điểm mang tính biểu tượng của Gucci.
Trong khi đó, cổ phiếu Hermès tăng 37,3% lên 1.925 Euro trong năm nay, được thúc đẩy bởi quý 3 mạnh mẽ, mặc dù thương hiệu đã quyết định tăng giá sản phẩm thêm khoảng 7% trên toàn cầu và khoảng 3% ở Mỹ để theo kịp chi phí sản xuất cao. Dù vậy, Hermès vẫn chứng kiến doanh số tăng trưởng mạnh mẽ, 18% ở Châu Âu và 20% ở Mỹ, giúp công ty vượt qua được hầu hết các cơn bão kinh tế.
Prada, sau một số thăng trầm, hiện đang giao dịch quanh mức giá mở cửa đầu năm là 5,07 Euro/cổ phiếu. Thương hiệu gặp khó khăn đôi chút ở Mỹ, nhưng may mắn đã được cân bằng nhờ hoạt động khả quan ở Châu Âu và Châu Á. Tốc độ tăng trưởng “thần tốc” của Miu Miu cũng góp phần không nhỏ cho doanh nghiệp.
EssilorLuxottica leo nhẹ 6,74% lên 181,96 Euro trong năm nay, sau kết quả quý 3 vững chắc, chứng kiến doanh thu tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây, hãng cũng đã bắt tay với Meta để ra mắt kính thông minh Ray-Ban Meta. Công ty cũng sẽ tạo ra một dòng kính mắt mới cho Moncler, đồng thời đầu tư khoảng 400 triệu Euro vào một cơ sở kính mắt mới ở Thái Lan. EssilorLuxottica cũng đã ký thỏa thuận cấp phép 10 năm với Jimmy Choo.
Hugo Boss ghi nhận đà tăng 22,8% lên 67,02 Euro sau khi kết quả quý 3 vượt ước tính của các nhà phân tích, doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi cả trang phục nam và trang phục nữ. Tăng trưởng ở Trung Quốc cũng khá tích cực.
Một cái tên nổi bật khác là Ralph Lauren, thêm 35,4% lên 133 Euro trong năm nay, chủ yếu nhờ một chiến lược tăng tốc, tập trung vào việc nâng cao hình ảnh thương hiệu cũng như hướng đến các thành phố trọng điểm nơi công ty đã có cơ sở khách hàng và sự hiện diện vững chắc.