Có những lãnh đạo nhà trường 'đứng ké' tên trong sáng kiến kinh nghiệm
Có những quản lý nhà trường lợi dụng vị trí công tác của mình để 'đứng ké' tên cùng giáo viên làm 'đồng tác giả' sáng kiến kinh nghiệm.
Theo hướng dẫn xét thi đua cuối năm của ngành giáo dục trong những năm qua thì những cán bộ, giáo viên, nhân viên được đề nghị xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.
Vì thế, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm hy vọng đề tài của mình đạt giải để được xét danh hiệu thi đua làm tiêu chí nâng lương trước thời hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số cán bộ, giáo viên, nhân viên tìm mọi cách để có tên trong danh sách những người có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải trong năm. Có những quản lý nhà trường lợi dụng vị trí công tác của mình “đứng ké” tên cùng giáo viên để làm “đồng tác giả”.
Một số giáo viên cũng muốn được lãnh đạo nhà trường cùng làm “đồng tác giả” với mình vì làm như thế xem như đã có một “vé bảo đảm” đề tài mình sẽ có giải và cả hai bên cùng có lợi.
“Tiết lộ” của người trong cuộc
Một giáo viên (đề nghị không nêu tên) hiện đang công tác tại một trường Trung học phổ thông tại một tỉnh Đông Nam Bộ chia sẻ với chúng tôi về những góc khuất trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm hiện.
Thầy giáo này cho biết: "Trước đây, tôi viết sáng kiến kinh nghiệm thường không đạt giải nên có phần chán nản và không viết nữa. Một lần, đến nhà hiệu trưởng chơi xã giao và có khơi lại chuyện viết sáng kiến mãi mà không đạt giải.
Hiệu trưởng động viên: em năm nay viết đi, lúc nào xong nói với thầy một tiếng, thầy sẽ có cách giúp em đạt giải 100 %. Thế là khi thực hiện xong, giáo viên này báo cho cho hiệu trưởng biết về tiến độ mình đã thực hiện.
Hiệu trưởng nói: em về đánh thêm tên thầy vào cùng sáng kiến kinh nghiệm của em nữa là được, thêm một vài ý vì em viết về đề tài chủ nhiệm lớp mà thầy là hiệu trưởng nên em chỉ cần thêm ý giáo viên chủ nhiệm thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu nhà trường trong việc quản lý học sinh là ổn.
Thế là, cuối năm đó, sáng kiến kinh nghiệm này đạt giải B. Tất nhiên, cả 2 đều đủ điều kiện để đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cứ thế, sự “phối hợp” nhịp nhàng, ăn ý từ năm này qua năm khác và năm nào cũng đạt giải.
Năm thì viết về chủ nhiệm, năm thì viết về ngoại khóa, năm thì viết về chuyên môn (cả 2 người cùng là giáo viên Ngữ văn) nên có sự đồng nhất về hoạt động giáo dục và môn học với nhau.
Giáo viên này còn tiết lộ thêm rằng, không chỉ có tôi mà một số lãnh đạo trong trường cũng đều làm thế và cơ hội đạt giải là điều hiển nhiên. Khi cả 2 cùng có lợi nên “hợp tác” sẽ được duy trì lâu dài. Suy cho cùng thì mình cũng có mất gì đâu, nếu không nói là có lợi hơn cho mình.
Bởi vì, nếu giáo viên đơn độc làm, rất khó đạt giải nhưng có “đồng tác giả” là lãnh đạo nhà trường thì cơ hội rõ mười mươi.
Vì phần lớn những giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay là các chuyên viên, hoặc các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị bạn- đều là chỗ quen thân.
Nếu đề tài hay thì giải A, vừa vừa đạt giải B, kém chút cũng có giải C. Rất hiếm có sáng kiến của lãnh đạo nhà trường viết mà lại bị cấp trên đánh rớt. Bởi, quy luật ngầm xem đây là “giải ngoại giao” với nhau thôi".
Có nên đề cao sáng kiến kinh nghiệm nữa hay không?
Thực ra, những tiêu cực trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường từ lâu đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và những thị phi từ các cơ sở giáo dục, cũng như giáo viên nào cũng hiểu rõ được những góc khuất khi thực hiện.
Có giáo viên năm nào cũng viết, thậm chí có năm viết đến 2 đề tài đều đạt giải nhưng cũng có những giáo viên viết hoài, viết mãi mà vẫn không đậu- cho dù viết về những mảng chuyên môn như ôn thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp có những số liệu minh chứng cụ thể vẫn rớt như thường.
Những người có sáng kiến kinh nghiệm liên tục đạt giải cũng đồng thời sẽ là những giáo viên tiêu biểu vì họ có cơ hội xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, xét bằng khen các cấp. Quan trọng hơn, họ được nâng lương trước thời hạn đều đặn.
Trong khi đó, nhiều phong trào khó khăn, đòi hỏi sự tương tác giữa thầy và trò, mang lại hiệu quả thiết thực như hiệu quả giảng dạy, kết quả thi tuyển sinh, tốt nghiệp, học sinh đậu với tỉ lệ, điểm số điểm cao thì lại không được đề cao, không đủ điều kiện để xét Chiến sĩ thi đua mà họ chỉ có thể ngậm ngùi xét danh hiệu Lao động tiên tiến.
Những giáo viên viết, hoặc xin, hoặc lấy trên mạng Internet rồi cắt, dán, thậm chí “đứng ké” tên lại đạt giải như thường bởi vì họ có “tên, tuổi”, còn phần nhiều giáo viên “vô danh” thì năm thì mười họa mới đạt giải.
Mỗi năm, ngành giáo dục có hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm được viết ra, được các cấp chấm và công nhận giải nhưng về cơ bản sau khi chấm xong, công nhận giải, phát thưởng và làm tiêu chí xét thi đua rồi thôi.
Những sáng kiến kinh nghiệm ấy đa phần không được phổ biến, không đăng công khai lên các website của nhà trường, phòng, hay sở giáo dục để các giáo viên không đạt giải học hỏi.
Nhìn những nhà giáo đạt giải cao nhất trong mỗi lần cấp phòng, sở giáo dục công bố những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh thì không khó để nhận ra những người đạt giải A đa phần là lãnh đạo cấp sở, phòng, ban giám hiệu, hội đồng bộ môn. Không nhiều tổ trưởng chuyên môn hoặc giáo viên đạt giải A.
Với cách chấm, công nhận giải ở một số địa phương còn thiếu tính minh bạch, công khai thì các cuộc thi như này chỉ làm tốn tiền ngân sách, tốn công sức của giáo viên bởi nó đang có quá nhiều kẽ hở và không có cơ chế giám sát, thẩm định việc chấm sáng kiến kinh nghiệm của các cấp.
Những thật- giả cứ đan cài từ năm này sang năm khác. Vì thế, có người được tuyên dương, khen thưởng danh hiệu cao xứng đáng nhưng cũng không ít cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục được tuyên dương, khen thưởng không hề xứng đáng chút nào.