Có một thế hệ lên rừng xuống biển

Nhanh quá đi mất. Vèo một cái nháy mắt gần 50 năm của thời điểm 30/4/1975. Hiện nay, tại TPHCM đã hình thành một lực lượng sáng tác hùng hậu, có thể nói về số lượng lẫn chất lượng đã và đang bước vào mùa bội thu. Trong những ngày này, khi nghe lại ca khúc 'Mùa xuân trên TPHCM' đã gợi lại trong tôi biết bao cảm xúc của ngày đầu tiên: 'Cây xanh tươi ra lá trổ hoa. Chào mùa xuân về với mọi nhà'.

Ngay sau đó, đất nước lại bước vào cuộc chiến mới ở biên giới Tây Nam. Thời ấy, tôi đã là bộ đội, bước vào quân ngũ với tâm thế: "Ở rừng thiếu thơ để đọc/ Chúng tôi làm thơ cho mình/ Từng câu chữ chưa tròn trịa/ Ra đời từ cuộc trường chinh". Vừa chiến tranh Tây Nam, vừa chống bành trướng phương Bắc. Một dấu ấn xương máu mà chúng tôi đã góp phần bé nhỏ, rất bé nhỏ làm sao có thể lãng quên.

Năm 18 tuổi, đời sống bộ đội đã cho tôi một không khí mới, một hơi thở mới, một vòm trời mới. Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi được đưa lên Trung đoàn 29, Sư đoàn 307. Một địa danh mới: Đắk Lắk, rừng núi chập chùng sương lạnh. Con đường 14B với bụi đỏ mù mịt và những tiếng mìn khô khốc, nổ đanh tai trong những lần truy quét dọc theo biên giới. Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến sức công phá của loại mìn KP2. Người lính đạp chân xuống, quả mìn sẽ nhảy lên và nổ cắt ngang nửa người. Cái chết gần kề như một người đồng hành. Có người chạy về tuyến sau. Có người ở lại tuyến đầu. Đất nước nửa hòa bình, nửa chiến tranh. Một thế hệ sống giữa hai bờ hư thực.

Và chúng tôi đã làm thơ

Từ đâu có thơ? Câu hỏi ấy đặt ra không thừa. Có người cho rằng thơ đến từ một cõi nào đó của vô thức, ngay cả bản thân nhà thơ có thể không ý thức được. Nhưng ngay sau ngày giải phóng, đất nước còn bộn bề bao khó khăn, bao nhiêu chuyện cần phải làm ngay, thế hệ trẻ mới lớn không có thời gian ngồi trong bóng râm yên tĩnh để tranh luận về thơ. Bằng tất cả hồn nhiên, trong sáng và hào hứng của tuổi đời phơi phới, họ lên rừng, xuống biển để hàn gắn những vết thương chiến tranh. Và ra chiến trường giữ đất.

Từ thực tế phong phú và đa dạng của đời sống, họ có thơ. Những bài thơ vạm vỡ sức sống mới mà bây giờ đọc lại, ta vẫn còn mường tượng ra tháng ngày họ đã sống.

Nói cách khác, những cảm xúc, những suy nghĩ của một thế hệ đã bàng bạc trong những vần thơ ấy. "Nếu anh chẳng tì vai vào khẩu súng/ Nòng thép lạnh đạn bắn ra thì nóng/ Đem đời mình đối diện với gian lao/ Chẳng bao giờ có tuổi trẻ của anh đâu" (Trần Hà Thanh). Người ta thường nói về tuổi hai mươi "ăn chưa no, lo chưa tới" mà viết như thế, liệu có "lên gân" không? Không! Chính năm tháng ấy, chúng tôi đã sống như thế. Khi đất nước vừa mới hòa bình, lại tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh thì chúng tôi đã già dặn hơn, trên vầng trán đã hằn những nếp nhăn.

"Tôi đổi nghìn câu thơ/ Để nếm mùi gian khổ/ Tôi đổi một cuộc đời/ Để lấy màu hoa đỏ/ Hai bàn tay thì nhỏ/ Tổ quốc rộng vô cùng/ Làm sao ôm hết được/ Một góc trời quê hương/ Nên đứng trước hố bom/ Thêm yêu màu hoa đỏ/ Sống trên đất nước mình/ Một đời chưa hết nợ" (Nguyễn Nhật Ánh). Những ngày tháng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng. Năm tháng ấy còn đói kém lắm. Tôi nhớ bữa ăn sáng ở chiến trường chỉ là cục bột nhỉnh hơn nắm tay một chút. Lạ thay! Nơi khắc nghiệt trực tiếp đào kênh, cõng đạn, tải thương, cầm súng chiến đấu lại đem đến cảm xúc mới. Do đó, không có gì là lạ lúc mới 20, thế hệ trưởng thành sau 1975 đã ý thức: "Hạt gạo đến giờ mẹ làm vất vả/ Vẫn dành cho con ở khắp chiến trường/ Chúng con ăn cơm gạo bữa thường/ Nghĩ mẹ ăn khoai mà rơi nước mắt/ Khẩu súng nằm trên tay con run bần bật/ Dẫu suốt đời con theo lối chiến hào/ Nhìn lên mẹ/ Chúng con đi bất chấp gian lao" (Phùng Nguyên Thái).

Và, cá nhân tôi, khi ở chiến trường đọc lại tập thơ Bạch Vân thi tập của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã viết: "Chúng tôi quý ngày đang sống/ Cười rung nắng gió qua đèo/ Màn che cửa ngõ trăng treo/ Hiền sĩ lợi danh xa lánh/ Chúng tôi thời trai khỏe mạnh/ Cứ đi ngang dọc núi rừng/ Hiền sĩ ngâm thơ rưng rưng/ Đau đời lệ buồn chực ứa/ Chúng tôi nhen lên ngọn lửa/ Đọc thơ sảng khoái lạ lùng/ Xin biết ơn đến vô cùng/ Được đau nỗi đau người trước/ Niềm vui bây giờ có được/ Hiền sĩ đã một lần mơ/ Chúng tôi đi dưới bóng cờ/ Lồng ngực con trai mười tám/ Đỏ như mặt trời buổi sáng/ Đi tìm bóng dáng mùa xuân".

Trong gian lao vẫn còn có những giây phút thong dong, chẳng hạn, từ một tuyến kinh đang đào dở, chúng tôi đã nghe được... cuốc, leng, ky, dép đang trò chuyện: "Mười phút hết rồi/ Bạn ơi đứng dậy/ Dép ơi thôi kể/ Ky ơi thôi nằm/ Cuốc ơi ngồi lên/ Leng ơi xích lại/ Chúng ta xuống đấy/ Dòng kinh đang chờ" (Nguyễn Nhật Ánh). Những vần thơ tươi tắn ấy, không dễ gì ta có thể tìm lại được trong thời buổi này?

Không chỉ là lao động sản xuất, đào kinh, đắp đập mà thuở ấy, còn góp phần máu xương mình khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang hồi khốc liệt: "Dẫu hành quân bộ suốt đêm/ Đạn trên vai vẫn muốn thêm nhiều vào/ Trời còn sót một vì sao/ Nhanh nhanh súng ở điểm cao nổ rồi (Trần Ngọc Châu). Chiếc áo xanh màu lá rừng, nón tai bèo, mũ cối đã làm nên hình ảnh một thời của những người vạm vỡ sức sống hai mươi. Và màu xanh ấy đã theo chúng tôi đi về nơi tuyến đầu đang nồng mùi khói đạn chiến tranh: "Thành phố tiễn đưa lên đường buổi sáng/ Áo màu xanh trong sáng chập chùng/ Nối tiếp bước nhau từng bước ung dung/ Những con trai và những người con gái/ Chiến trận nổ ra dọc đường biên giới" (Cao Vũ Huy Miên). Dù những công việc nặng nhọc, hiểm nguy ở tuyến đầu nhưng sá gì khi người ta còn trẻ: "Hai vai mải miết tháng ngày/ Vai này tải đạn, vai này tải thương/ Mở đường thẳng tới chiến trường/ Gỡ mìn, lấp hố, cứu thương, bắc cầu" (Triệu Ý)...

Thế hệ cầm bút sau năm 1975 tại TPHCM, từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, Trương Nam Hương, Nguyễn Thái Dương và Đoàn Vị Thượng

Thế hệ cầm bút sau năm 1975 tại TPHCM, từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, Trương Nam Hương, Nguyễn Thái Dương và Đoàn Vị Thượng

Lý giải như thế nào về một thế hệ thơ nồng nhiệt đến thế - nếu không phải chính hiện thực của đời sống đã hình thành nên cảm xúc tươi rói ấy? Đã có một thế hệ đưa chất liệu của tháng ngày lên rừng xuống biển vào thơ rất đỗi thuyết phục và cũng rất thơ. Vâng, khi thâm nhập vào cuộc sống mới với tất cả niềm tin đầu mùa phơi phới, thơ đã đến. Những bài thơ đầy ắp hơi thở của đất đai, khói súng chiến trường.

Đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn xúc động khi nghe lại tiếng hát phổ từ thơ của đồng đội. Thơ ấy không có chỗ cho tưởng tượng hoa mộng, yếu đuối, bạc nhược. Thơ ấy từ tấm lòng mà ra, một tấm lòng tha thiết với cuộc đời từ trong mạch máu của tuổi trẻ...

Những vần thơ hào phóng, yêu đời đã có được chính là lúc được hội nhập vào một vòm trời mới. "Khi đất có người, đất cũng có tên/ Khi anh yêu em trăng cứ rằm hạnh phúc/ Tiếng chim lạ trên bãi bồi gọi giục/ Đặt dấu chân mình lên dấu chân xưa/ Để mai đây xanh mượt bóng dừa/ Những lối thẳng đi vào tương lai mới" (Nam Thiên). Đời sống thế nào thì nó đi vào thơ thế ấy. Đọc đi đọc lại những vần thơ của năm tháng ấy, chợt nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình. Còn đó những vần thơ của Bùi Chí Vinh, Đoàn Tuấn, Văn Lê, Phạm Trường Phục, Thanh Nguyên, Nguyễn Hữu Vang, Đoàn Huy Giao, Phạm Sỹ Sáu, Trần Ngọc Châu, Cao Vũ Huy Miên, Đoàn Cao Thắng, Trần Anh Tài, Diệp Hồng Phương, Lê Minh Quốc... gợi cho tôi nhớ lại một kỷ niệm khó quên đầu đời.

"Có lớp lính vừa qua tuổi Đội viên, lông tơ còn trên mặt/ Còn làm nũng, giận hờn rất đỗi hồn nhiên/ Những đồng đội khi tham gia trận đánh đầu tiên/ Còn bật khóc khi thấy người bên cạnh mình ngã xuống" (Phạm Sỹ Sáu). Và chúng tôi được kết nạp vào Đoàn ở chiến hào đường 14B. Tôi cảm thấy rợn gai ốc. Một cảm giác lạ lùng chạy dọc theo sống lưng của mình. Không có cờ và hoa. Không có đứng thẳng để tuyên thệ. Không có gắn huy hiệu Đoàn trên áo. Chúng tôi ngồi bệt dưới chiến hào với băng đạn AK cấn vào hông đau điếng để đón nhận điều thiêng liêng ấy trong đời...

Trong khi đó, ở hậu phương, một thầy giáo trẻ Đoàn Vị Thượng cũng bước vào cuộc chiến đấu với ý thức: "Đất nước trở trăn trong thiếu thốn và nghèo/ Chúng tôi nhiều khi phải tự đóng góp thêm công để các em có đủ ghế ngồi và tự sớt đồng lương cho những ngày thiếu phấn/ Có thể nào khác hơn khi tôi đưa ngón tay mình lên môi và cắn/ Biết rằng viên phấn cũng đau". Hình ảnh ấy, nay nhìn lại đã thấy như một "cổ tích" qua nhanh. Đất nước thay da đổi thịt từng ngày...

Mới đó mà đã gần 50 năm. Cảm xúc tươi rói cho đến tận bây giờ. Thế hệ đôi mươi của đầu thế kỷ XXI, không trải qua những dằn vặt mà thế hệ chúng tôi đã đi qua, họ đang có những lo toan, những suy tư của họ. Đã gần 50 năm, thơ đang lật qua một trang khác... Thế nhưng, khi ý thức về những giọt máu của các thế hệ mình, làm sao thơ có thể trả hết?

Tôi lại mạo muội nghĩ, trong cơ chế thị trường hiện nay, với biết bao lượng thông tin từng ngày dội vào lớp trẻ với nhiều tác động trái ngược nhau. Thử hỏi, liệu có còn ai nhớ đến những vần thơ ngày ấy? Cần gì phải hỏi, chỉ biết rằng đã có một thời, có một thế hệ đã tự ý thức: "Sống trên đất nước mình/ Một đời chưa hết nợ".

LÊ MINH QUỐC (Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/co-mot-the-he-len-rung-xuong-bien_161679.html