Có một nhà giáo như thế !

30 năm nay, trên con đường Lê Hữu Trác (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có một nữ nhà giáo ngày ngày thong thả đạp xe sang bên kia bờ tây sông Hàn đến Trường Mầm non Hoa Ban (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) dạy trẻ từ rất sớm.

30 năm nay, trên con đường Lê Hữu Trác (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có một nữ nhà giáo ngày ngày thong thả đạp xe sang bên kia bờ tây sông Hàn đến Trường Mầm non Hoa Ban (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) dạy trẻ từ rất sớm. Điều đặc biệt, trang phục duy nhất của cô là áo sơ-mi trắng, quần âu xanh. Đấy là hình ảnh quen thuộc của cô giáo Nguyễn Thị Phượng Hải (1963), người vừa được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ II tổ chức tại Đà Nẵng.

Ở tuổi 54, cô Phượng Hải vẫn nhiệt tình, tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ. Ảnh: P.T

Gặp cô Hải, tôi hiểu vì sao Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban - Lê Thị Thu Lan xúc động ngợi ca: "Giữa thời buổi này, hiếm còn mấy ai có được vẻ đặc biệt như cô giáo Hải. Cô ấy rất được trẻ và phụ huynh (PH) yêu mến". Cô Hải có đôi mắt buồn với ánh nhìn hiền dịu, gương mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm và dáng người khổ hạnh. Phải chăng, vì những ưu điểm này giúp cô tuy đã lớn tuổi vẫn có sức hút với trẻ thơ. Ngắm cô say sưa trong từng động tác múa, hát với trẻ, khó ai nghĩ cô chuẩn bị bước vào tuổi 55. Từ con người cô toát lên một tình yêu nghề, yêu trẻ vô điều kiện.

Nhiều đồng nghiệp nhận xét, chưa từng thấy ai yêu trường, yêu trò đặc biệt như cô Hải. Dù đi xe đạp lại không sử dụng ĐTDĐ, nhưng cô luôn là giáo viên đi sớm nhất trường: 5 giờ 30 sáng đã có mặt. Cô cũng là giáo viên về trễ nhất trường. Lớp do cô chủ nhiệm bao giờ cũng sạch bóng từ trong ra ngoài. Hiệu trưởng Thu Lan ví von, phòng vệ sinh lớp cô Hải có thể nằm ngủ được. "Có PH lần đầu tiên gửi con đến trường Hoa Ban, thấy vẻ bề ngoài của cô Hải trông giống nữ tu nên e ngại, không muốn cho con vào lớp này. Họ đến gặp tôi, xin chuyển sang lớp khác. Tôi đề nghị hãy để cháu học lớp cô Hải 2 tuần, nếu sau đó cháu không thích sẽ chuyển sang lớp khác. Hai tuần trôi qua, không thấy PH phản hồi, tôi tìm gặp hỏi chuyện. Vị PH này xin lỗi nhà trường vì sự vội vàng của mình và cho biết, con họ rất mê cô Hải", Hiệu trưởng Thu Lan kể.

Nói về người đồng nghiệp đáng kính này, giáo viên trẻ Nguyễn Thị Mỹ Duyên thán phục: "Em về nhận công tác tại trường Hoa Ban được 2 năm, dạy cùng lớp cô Hải. Em được cô hướng dẫn, chỉ vẽ kinh nghiệm chăm sóc, dạy dỗ trẻ rất tận tình. Bất cứ điều gì cô Hải làm cũng đều hướng về các cháu! Điều khiến em vô cùng ngạc nhiên, cố gắng tìm hiểu để học hỏi nhưng không được ở cô đó là khả năng thu hút trẻ. Đến giờ cô dạy, trẻ nghe lời răm rắp, không nghịch ngợm, quậy phá. Cô không bao giờ đánh khẽ hoặc lớn tiếng với học trò! Chẳng biết cô có bí quyết gì mà trẻ mê cô đến vậy!".

Hỏi "bí quyết" nào khiến trẻ yêu mến, cô Hải cười, từ tốn đáp: "Bí quyết gì đâu. Với trẻ con, mình phải gần gũi, yêu thương, nắm bắt tâm lý, tính cách từng cháu để có cách chăm sóc, dạy dỗ cho đúng. Đồng thời phải nghiêm khắc và nghiêm túc khi dạy thì mới dỗ cháu vào nề nếp được. Đơn cử một chi tiết nhỏ với trẻ biếng ăn, không nên bới cơm nhiều. Bới cơm làm nhiều lần, cháu ăn hết lại bới thêm ít nữa. Mỗi lần cháu ăn hết phần cơm, mình khen, động viên con ăn giỏi quá. Nghe khen, các cháu sẽ vui thích, có động lực để ăn thêm".

Cô Hải sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em. Học hết lớp 12 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, để sớm có việc làm phụ giúp gia đình, cô nộp hồ sơ thi trung cấp mẫu giáo rồi xin về Trường Mầm non Hoa Ban dạy học từ 1989 đến nay. Vừa dạy, cô vừa nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Cô xem trẻ như con, xem trường Hoa Ban như ngôi nhà thứ hai. Vì hoàn cảnh gia đình, mãi đến năm 46 tuổi, nhờ sự mai mối của một PH, cô nên duyên vợ chồng với người đàn ông chưa lập gia đình, làm công tác chăm sóc cây xanh tại khách sạn.

Hơn 10 năm sống gắn bó, họ không có con. Vì thế, tình yêu trẻ trong cô càng mãnh liệt. Tất cả tình cảm của người mẹ được cô dồn vào cho các cháu. Khó ai ngờ, một giáo viên giản dị, cần kiệm đến mức khắc kỷ với chính mình nhưng lại sẵn sàng hào phóng bỏ vài triệu đồng để mua sắm vật dụng rồi tự mày mò làm đồ dùng học tập cho trẻ. "Cô ấy có thể sẵn sàng bỏ ra hơn 2 triệu đồng để làm đồ dùng dạy học cho trẻ; sẵn sàng lấy tiền dành dụm được cho đồng nghiệp mượn khi gia đình có chuyện... Cô ấy là ngân hàng sống của trường tôi", Hiệu trưởng Thu Lan tự hào.

Năm 2003, cô Hải được tập thể nhà trường và ngành tín nhiệm bổ nhiệm làm Hiệu phó. "Với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, cô ấy dư sức đảm đương chức vụ đó. Thế nhưng, 2 năm sau, cô xin thôi chức Hiệu phó, xuống làm lại giáo viên. Một người như thế, không gọi là đặc biệt sao được", Hiệu trưởng Thu Lan xúc động. Giải thích về việc tự xin thôi chức Hiệu phó, cô Hải cười: "Nhớ các cháu quá. Thấy hình như mình chỉ hợp khi đứng trước bọn trẻ".

30 năm gắn bó Trường Mầm non Hoa Ban, cô Hải luôn là một giáo viên kiểu mẫu. Gần 15 năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần được công nhận là giáo viên giỏi (GVG) cấp TP, năm 2014 được công nhận GVG quốc gia, được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen; 2 lần đạt giải A, B tại Hội thi làm đồ dùng dạy học cấp quận cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác... Năm 2014, hay tin cô được cử đi dự liên hoan giáo viên giỏi bậc Mầm non lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, một PH cũ đã tặng cô hai xấp áo dài. Tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản, một HS cũ đang du học nước ngoài điện về nhờ mẹ thay mình mang hoa đến tặng, chúc mừng cô. Nhớ lại giây phút này, cô Hải ứa nước mắt: "Tôi không hề nghĩ cháu còn nhớ đến mình vì mười mấy năm rồi. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc quý giá nhất".

PHAN THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_175316_.aspx