Có một 'Ngân hàng máu sống'

Với số lượng hàng ngàn thành viên, những năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế đã thật sự trở thành 'ngân hàng máu sống' đúng nghĩa như tên gọi của CLB.

Các thành viên CLB Ngân hàng máu sống tham gia hiến máu toàn phần

Hạt nhân về phong trào hiến máu

Mỗi lần tổ chức hiến máu tập trung, chỉ tiêu khoảng 300 – 400 đơn vị máu, nhưng số lượng tình nguyện viên của CLB Ngân hàng máu sống, Trường đại học Y - Dược đăng ký hiến luôn cao hơn. Như trong đợt hiến máu tập trung lần 1 năm 2023 diễn ra vào tháng 6, chỉ tiêu là 350 đơn vị máu, song số lượng đăng ký lên đến hơn 650 tình nguyện viên. Hay như đợt hiến trong tháng 11/2023 mới đây, số lượng đăng ký cũng cao hơn 100 tình nguyện viên so với số lượng thông báo trước đó.

Mỗi năm, ngoài 2 đợt hiến máu tập trung tại Trường đại học Y – Dược, CLB còn tổ chức khoảng 10 - 14 đợt hiến máu vệ tinh tại Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, với hàng ngàn đơn vị máu đã được hiến. Như từ đầu năm 2023 đến tháng 11/2023, CLB đã hiến 13 đợt, với hơn 2.500 đơn vị máu toàn phần và gần 650 hiến tiểu cầu. Trước đó, vào năm 2022, CLB đã hiến tổng cộng 13 đợt, với hơn 2.300 đơn vị máu toàn phần và gần 650 hiến tiểu cầu.

ThS. Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu khu vực Huế, Bệnh viện Trung ương Huế đánh giá, CLB Ngân hàng máu sống là lực lượng tiên phong và nòng cốt trong hoạt động phối hợp hiến máu của trung tâm. Cung cấp lượng lớn máu cho các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân. Có những lúc lượng máu và các nhóm máu ở trung tâm bị thiếu hụt, như vừa qua thiếu nghiêm trọng nhóm máu O và nhóm máu A. Khi đó, trung tâm đã liên hệ với CLB để yêu cầu hiến vệ tinh. Chính những đợt hiến vệ tinh đó giúp cung cấp lượng máu kịp thời, chất lượng, máu cung cấp cho bệnh nhân cũng tốt hơn.

“Có những lúc đêm khuya, bệnh nhân cần tiểu cầu gấp, Trung tâm Huyết học truyền máu khu vực Huế liên hệ với CLB thì luôn có tình nguyện viên đến hiến ngay lập tức. Có nhiều sinh viên đang đi thực tập tại bệnh viện, thấy bệnh nhân đang cần tiểu cầu gấp, các em cũng tham gia hiến ngay lúc đó, không chút do dự”, ThS. Bùi Minh Đức chia sẻ.

Vừa tham gia hiến tiểu cầu xong, Nguyễn Thành Tài, sinh viên năm 4, thành viên của CLB Ngân hàng máu sống tươi cười, thêm lần này nữa là em hiến được 38 lần rồi, cả hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu. Từ hồi bé, em đã có mong muốn chia sẻ giọt máu của mình để cứu người. Khi vào học Trường đại học Y – Dược càng thôi thúc em thực hiện mong muốn đó. Vì vậy, từ năm 1, Tài tham gia ngay vào CLB và trở thành thành viên năng động. Mục tiêu của Tài trong hai năm cuối là hiến thêm 20 – 30 lần nữa, để trước khi ra trường đạt được 60 - 70 lần hiến máu.

Tiếp tục phát huy

Bác sĩ Lê Thị Khánh Huyền, Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống cho biết, thành viên CLB chủ yếu là sinh viên Trường đại học Y - Dược, tiếp xúc nhiều với môi trường bệnh viện. Do đó các bạn hiểu được tầm quan trọng của máu, chưa có chế phẩm thuốc thay thế. Hơn nữa biết về lượng máu nếu không hiến cũng sẽ chết đi theo chu kỳ sinh học, nên các bạn hiểu được việc cho máu không hại như người ngoài thường nói. Các sinh viên đã đi thực tập lâm sàng nên nắm được tình hình thực tế và nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị. Các sinh viên cũng thường xuyên tiếp xúc nhiều với các hoàn cảnh trường hợp bệnh nhân cần máu, nên càng thôi thúc tinh thần thiện nguyện trong bản thân mỗi người. Một điều kiện khách quan là địa điểm hiến máu gần nơi ở, gần trường, gần bệnh viện nên sẽ thuận lợi trong việc di chuyển mà không ảnh hưởng đến công tác khác.

Để phong trào hiến máu ngày càng có sức lan tỏa, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về máu, các chương trình giao lưu ngoại khóa. Bên cạnh việc hiến máu, cũng là sân chơi kết nối giữa các bạn tình nguyện viên. Điều này thu hút các bạn không đủ điều kiện tham gia hiến máu có thể hỗ trợ trong công tác vận động hiến máu. CLB cũng định kỳ hàng năm sẽ tổ chức Ngày hội vinh danh “Gương sáng nhân đạo” đối với sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu và vận động hiến máu; qua đó, động viên tinh thần và thúc đẩy tinh thần thiện nguyện.

Theo ThS.BSCKII Bùi Minh Đức, trong những đợt sinh hoạt chung về hoạt động hiến máu tình nguyện, trung tâm luôn mời sinh viên Trường đại học Y - Dược chia sẻ về hiến máu. Nhờ vậy phong trào hiến máu trong toàn Đại học Huế cũng ngày càng phát triển hơn, lan tỏa được đến nhiều sinh viên.

PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y – Dược nhìn nhận, bên cạnh học tập, nghiên cứu khoa học, những CLB như Ngân hàng máu sống, CLB Hướng dẫn bệnh nhân tại bệnh viên đang góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của trường và bệnh viện trường. Đặc biệt mang lại những giá trị tốt hơn cho bệnh nhân. Chữ “sống” trong Ngân hàng máu sống mang nhiều ý nghĩa cao cả, đó là còn giọt máu cho đi, là còn mạng sống được cứu. Đó cũng là cách nuôi dưỡng y đức, người thầy thuốc cứu người toàn diện trong hiện tại và tương lai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/co-mot-ngan-hang-mau-song-135805.html