Có hay không việc vi phạm cấm vận Triều Tiên?

Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/8 đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào một số công ty của Nga và Trung Quốc vì vi phạm các lệnh cấm vận kinh tế áp đặt đối với Triều Tiên, trong bối cảnh chính quyền Washington đang tìm cách duy trì sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt một số doanh nghiệp của Nga, Trung Quốc. (Nguồn: WSJ)

Đòn trừng phạt mới của Washington

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Công ty Thương mại Vận tải Quốc tế Dalian Sun Moon Star của Trung Quốc và chi nhánh của họ đặt tại Singapore (SINSMS), đã làm giả các giấy tờ để vận chuyển nhiều thùng hàng chứa rượu và thuốc lá tới Triều Tiên. Các thùng hàng này bị Bộ Tài chính Mỹ gọi là thỏa thuận mua bán thuốc lá “phi pháp” giúp cho các công ty này thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt Công ty Profinet có trụ sở ở Nga vào danh sách trừng phạt vì vi phạm các lệnh cấm vận của LHQ đối với Triều Tiên bằng cách cung cấp các dịch vụ và vận chuyển cho các con tàu có gắn cờ Triều Tiên tại 2 khu vực cảng ở miền Đông nước Nga.

Cũng nằm trong danh sách trừng phạt là Tổng Giám đốc của Profinet Vasili Aleksandrovich Kolchanov - người bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc là “có liên quan về mặt cá nhân” tới các thỏa thuận làm ăn với Triều Tiên.

“Bộ Tài chính nhắc nhở ngành công nghiệp vận tải biển về các rủi ro mà hoạt động hàng hải của Triều Tiên gây ra” - Bộ Tài chính Mỹ nói trong một tuyên bố.

Cùng ngày, Công ty thương mại quốc tế của Trung Quốc thừa nhận rằng họ đã vận chuyển thuốc lá và rượu tới Triều Tiên nhưng bác bỏ mọi việc làm phi pháp.

“Chúng tôi vận chuyển lượng hàng trên thông qua các cửa khẩu của Trung Quốc, tất cả đều hợp pháp, và chúng tôi có đầy đủ cấc giấy tờ hợp pháp cần thiết” - Giám đốc của Dalian Sun Moon Star là ông Liang Ye, nói với AFP và cho rằng: “Giờ chúng tôi chỉ có thể ngừng hoạt động kinh doanh. Công ty có thể bị phá sản. Lệnh trừng phạt có ảnh hưởng lớn tới chúng tôi”.

Bất chấp tham gia các kênh đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, chính quyền Washington hiện tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào quan hệ thương mại với Triều Tiên nhằm gây sức ép cực đại để nước này ngừng các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt hiện hành đối với Triều Tiên, và sẽ có hành động để ngăn chặn các công ty, cảng biển, tàu biển vận chuyển các gói hàng phi pháp tới Triều Tiên” - Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/8.

“Hậu quả đối với việc vi phạm các lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì cho tới khi chúng tôi đạt được giải trừ hạt nhân toàn diện có thể xác nhận được trên bán đảo Triều Tiên” - ông Mnuchin nói thêm.

Phản ứng từ Nga, Trung Quốc

Trước đó, trong hôm 15/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên “đang đi đúng hướng”, vào thời điểm 2 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6.

Cũng trong ngày 16/8, Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc đã đăng tải một bài xã luận nói về quan điểm gây sức ép “cực đại” của Washington đối với Triều Tiên.

“Washington nên nhớ rằng hướng tiếp cận “sức ép cực đại” đối với Bình Nhưỡng không phù hợp với tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên và họ cần phải cân nhắc vê việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên” - bài xã luận đăng tải trên Xinhua nêu rõ.

Trung Quốc từng liên tiếp khẳng định rằng họ đã thực thi đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, và cho rằng họ có đủ quyền để thực thi cái mà họ gọi là “thương mại bình thường” với Triều Tiên trong các lĩnh vực kinh tế không nằm trong các lệnh trừng phạt.

Năm ngoái, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và các vụ thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt này. Tháng trước, ông Pompeo nói rằng Triều Tiên tiếp tục nhập lậu dầu, ít nhất 89 chuyến tàu chở dầu lậu trong 5 tháng đầu năm.

Động thái trên của Washington được đưa ra sau khi họ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow liên quan tới cáo buộc chính quyền nước này đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng con gái trên lãnh thổ Anh. Các lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ cuối tháng này.

Trong phản ứng của mình, Điện Kremlin đã lên tiếng nói rằng lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ lần này là “vi phạm luật pháp quốc tế” và cảnh báo rằng Nga có thể cân nhắc các biện pháp đáp trả.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/co-hay-khong-viec-vi-pham-cam-van-trieu-tien-tintuc412932