Cô giáo Ước…0 đồng

'Cô giáo Ước… 0 đồng' là tên mà những… công nhân nghèo chứ không phải học sinh nói về cô giáo Nguyễn Thị Ước (Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn - TPHCM). Gọi thế là bởi cô giáo có shop kinh doanh áo quần, giày dép tại nhà mình (101/59D đường ĐT 7, ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) với giá...0 đồng.

Cô giáo Ước và cửa hàng 0 đồng

Từ cửa hàng…2K

Đêm 19.11, trong khi các thầy cô giáo háo hức chuẩn bị cho hôm nay 20.11, thì cô giáo Ước lại hối hả gói tươm tất 60 phần quà để đi làm từ thiện, dù là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cô giáo Ước đã làm từ thiện từ rất lâu, bởi ghi nhớ lời người cha dặn trước lúc mất: “Con cứ làm hết sức những gì mà tâm mách bảo!”

Tặng gạo cho người nghèo, việc từ thiện cô giáo Ước làm từ rất lâu.

Sau nhiều chuyến từ thiện xa, về nhà tĩnh lặng, cô giáo Ước bất chợt gặp hình ảnh những công nhân nghèo, kỳ kèo trả giá từng nghìn đồng mua những vật dụng cuộc sống, sau những giờ tăng ca rã rời.

“Sao mình không làm việc này ngay tại nhà, vì ở đây công nhân và người nghèo còn rất nhiều?”. Cô giáo Ước kể lại với tôi về ý nghĩ bất chợt hiện ra thời điểm đó. Và cô đã làm những gì lương tâm mách bảo.

Công nhân nghèo, hàng xóm, bạn bè cùng đến gian hàng 0 đồng lựa chọn mua hoặc phụ giúp treo áo quần

Thế là sau cái Tết năm 2017, cô giáo Ước đi xin đồng nghiệp, hàng xóm… các loại quần áo, vật dụng cũ rồi về mở cửa hàng mang tên “Từ tâm 2K” và bày bán quần áo vật dụng cho công nhân và người nghèo quanh khu vực với giá...2K, tức 2.000 đồng. Số tiền tích cóp này được cô giáo Ước dùng cho những chương trình từ thiện.

Khi nhà mình cháy, hạ giá… 0 đồng.

Tháng 9.2017, nhà cô giáo Ước cháy ra tro. “Hỏa hoạn cướp đi của tôi tất cả. Nhưng chính lúc đó, tôi nhận được rất nhiều sự sẻ chia của mọi người, ở khắp mọi nơi, để làm lại cửa nhà”. Cô giáo Ước tâm sự và bởi cảm kích trước tất cả tấm lòng, cô quyết định làm lại cửa hàng “Từ tâm” nhưng với giá… 0 đồng. Cô tự bỏ tiền mua máy giặt, mua từng cái mắc áo để làm.

Áo quần cũ được cô giáo Ước giặt giũ phơi sạch sẽ rồi mới bán giá... 0 đồng

Cứ thế, ngoài giờ dạy, cô giáo Ước tất tả đi xin bạn học, xin bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu các vật dụng thiết thực như quần áo, giày dép. Sau khi đem về, tranh thủ buổi tối, cô lại tự may vá lại những chỗ rách, tự giặt rồi mới nhờ cậy mọi người cùng giúp phơi phóng sạch sẽ bởi… nhiều quá.

Cô giáo Ước đi xin quần áo về

"Có những đêm khuya thấy cô ấy về, chở cả bao tải nặng áo quần đằng sau. Hỏi thì bảo vừa chạy từ quận 4 về, xa lắm! Nhiều đêm thấy cô ấy cứ lọ mọ giặt là cả núi áo quần, nên hàng xóm cũng tranh thủ sang phụ giúp” - một người hàng xóm của cô Ước kể lại.

Trước khi mua được máy giặt, nhiều đêm khuya, một mình cô giáo Ước lọ mọ giặt quần áo xin được

Còn cô giáo Ước thì cười: “Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, không hiểu sao mình khỏe thế! Nhưng tôi mang ơn nhiều người lắm, đó cũng là cái duyên, nên mình cũng gieo duyên với mọi người khi còn có thể!”.

Công nhân nghèo ở quanh khu vực, hoặc có thể bất kỳ đâu, giờ nào, chỉ cần ghé cửa hàng của cô Ước, tự do chọn lựa hoặc cái áo, cái quần, hoặc giày dép chỉ với giá…0 đồng.

Sau giờ làm, công nhân nghèo tới mua quần áo ở cửa hàng 0 đồng của cô giáo Ước

Cô giáo Ước còn rất 4.0, khi lên cả Facebook kêu gọi mọi người mua hàng dí dỏm: “Ngày mai mong mọi người đến ủng hộ gian hàng quần áo 0 đồng thật đông nhé. Giúp cô Nguyễn Ước tuần nào cũng mua may bán đắt nhé. Nhớ chỉ 0 đồng thôi, được quyền đổi trả thoải mái!”

Cô giáo Ước còn rất 4.0, lên facebook giới thiệu cửa hàng 0 đồng

Những công nhân nghèo gọi cô Ước là cô giáo… 0 đồng, bởi sự cảm kích. Nhưng chắc hẳn không ai biết, từ năm 2000, lúc 34 tuổi, cô giáo Ước đã tự nguyện đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời!.

Chỉ bởi một lẽ: “Khi cha tôi mất, ông muốn tôi làm ba điều. Trong đó có điều ông nhắn nhủ tôi nên theo nghề y. Sự thực là tôi yêu nghề giáo, do vậy tôi chọn hiến máu và hiến xác như một cách khác để gắn bó với ngành y”, cô giáo Ước tâm sự.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/co-giao-uoc0-dong-642343.ldo