'Cô bé trộm đồ', chị Dậu, Jean Valjean và… 'nhân chi sơ, tính rắc rối'
Sự việc cháu bé trộm đồ ở một shop quần áo tại Thanh Hóa bị làm nhục và bị cưỡng đoạt tài sản sau khi bị ông bà chủ cửa hàng Mai Hường bắt quả tang 'tắt mắt' đồ đạc của họ, đang gây ra một cuộc tranh luận tưởng chừng không có hồi kết.
Tôi được một vài người Việt thành đạt về kinh tế ở CHLB Đức liên hệ tìm địa chỉ cháu bé bị làm nhục ở Thanh Hóa để ngỏ ý hỗ trợ cháu. Sau một - hai ngày, các “mạnh thường quân” thay đổi ý định vì hành vi “trộm cắp” của cháu bé. Mở mạng ra đọc, thấy nhiều ý kiến bảo vệ cháu bé, nhưng cũng có nhiều ý kiến chỉ trích khá nặng nề hành động của cháu. Tôi không phản đối, cũng không ủng hộ, vì mỗi nhóm người trên đều có lý lẽ của họ. Tôi chỉ liên tưởng về sự mâu thuẫn của “người lớn” trong câu chuyện này…
Rõ ràng, ở đây cần xét đến hai mặt của vấn đề: Trước hết, hành vi của cháu bé rõ ràng là sai khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và cần có sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng ở khía cạnh khác, cần đặt câu chuyện trong bối cảnh của nó, mà ở đây theo tôi là có hai bối cảnh chính: bối cảnh cá nhân, và bối cảnh xã hội.
Về mặt cá nhân, gia cảnh của cháu không mấy sáng sủa: nhà nghèo khó, bố mất sớm, bà nội bị mù, và cô bé là con thứ hai trong bốn anh chị em. Với gia cảnh đó, một đứa bé vị thành niên chưa hình thành được lối sống, chưa chạm chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, thì va vấp là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng ngay sau khi va vấp, cháu đã ăn năn và thể hiện ý muốn khắc phục hậu quả, thì rõ ràng phần thiện trong cháu là trội, hành động “tắt mắt” của cháu chỉ là nhất thời bồng bột.
Về bối cảnh xã hội, trong một xã hội mà các giá trị vật chất và hình thức đang có phần trội, thì áp lực cho những người trẻ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời quả là một thách thức không hề nhỏ. Một cháu bé vị thành niên bị gục ngã trước chủ nghĩa vật chất cũng là điều không khó để hiểu. Trong sự cuồng quay của chủ nghĩa vật chất, người lớn còn gục ngã trước cám dỗ, nói gì đến trẻ con.
Nếu cứ đưa lăng kính “pháp gia” ra để phán xét, thì có lẽ tội bán con, bán chó của chị Dậu (trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố) còn nặng hơn hành vi của cháu bé Thanh Hóa gấp nhiều lần. Ấy thế mà, trong sách giáo khoa, chị Dậu được thương cảm, thậm chí ngợi ca để làm nổi bật lên một thiết chế xã hội đưa người dân Việt Nam thời điểm đó vào con đường bần cùng hóa. Những số phận đó bị đè nén, bị tước đoạt hết cơ hội để có được chút thịnh vượng ở tương lai. “Tiền đồ tối như mực”. Chẳng ai mắng chị Dậu cả, dù chị ấy là một người trưởng thành. Còn cháu bé ở Thanh Hóa, thì lại nhận được sự chỉ trích của vô số người lớn. Thật là một nghịch lý.
Tôi nói với những người bạn của mình ở Đức, rằng nếu chúng ta chìa tay ra cứu những cháu bé này, xã hội tương lai sẽ bớt đi những công dân xấu. Mà nhìn rộng ra, chúng ta đang góp phần tạo ra cho mình và con cháu một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
Cuộc tranh luận nhiều chiều về chuyện cháu bé ở Thanh Hóa, làm tôi nhớ đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, với hai trường phái triết học lớn của phái Nho gia, quan niệm khác biệt về con người. Khổng Tử (và sau này học trò của ông là Mạnh Tử ghi chép lại) quan niệm con người sinh ra vốn có mầm thiện lành (“nhân chi sơ tính bản thiện”). Những tính ác xuất hiện là bởi yếu tố ngoại cảnh tác động (con người, môi trường, xã hội tác động đến tính cách), những tác động này có thể gây nên sự thay đổi tiêu cực đến tính cách, tạo nên “nghịch tính”. Trường phái này nhấn mạnh vai trò của giáo dục, trui rèn của mỗi cá thể, “ngọc bất trác, bất thành khí/ nhân bất học, bất tri lý” (tạm dịch: ngọc không mài giũa thì không sáng/ người không học, không phân biệt được điều hay lẽ phải).
Đối lập với trường phái này, là trường phái của Tuân Tử với quan niệm “nhân chi sơ tính bản ác”. Học thuyết của Tuân Tử cho rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác, đạt được tính thiện là do rèn giũa, giáo dục mà thành. Từ tư tưởng này của Tuân Tử, học trò của ông là Hàn Phi đã phát triển lên thành học thuyết về pháp trị nổi tiếng trong lịch sử triết học luật pháp Á Đông.
Dù tiếp cận hai hướng khác nhau khi nhìn nhận về con người, nhưng điểm chung của hai trường Nho gia thời Xuân Thu Chiến Quốc là đề cao vai trò giáo dục và luyện rèn.
Giáo dục và luyện rèn không phải chỉ ở trường học. Nó còn là ở sự làm gương của đời sống xã hội đối với từng cá nhân, của thế hệ đi trước và thế hệ đi sau, của người lớn và trẻ nhỏ… Người lớn cứ cuồng quay trong chủ nghĩa vật chất, nặng về màu mè, hình thức, thì sẽ dạy trẻ con được điều gì khác biệt?! Quả thực, đó là sức hút ma mị khó cưỡng đối với những cháu nhỏ mới định chạm một ngón chân vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Trong tác phẩm kinh điển Những người khốn khổ xuất bản năm 1862, văn hào Pháp Victor Hugo đã tôn vinh tình yêu thương con người giữa một xã hội Pháp đầy rối ren và bất công. Jean Valjean là người lao động nghèo khổ, vì đập vỡ tủ kính lấy cắp một chiếc bánh cho cháu (con của em gái) đang đói khát, nên đã phải chịu 19 năm tù khổ sai. Trong tù, anh nuôi mộng trả thù đời. Khi ra tù, anh xin được tá túc nhà của đức giám mục Myriel. Nhưng tại đây, anh lại ăn cắp bộ đồ bằng bạc của linh mục. Sau khi cảnh sát bắt được, vị linh mục này đã cứu anh bằng cách khẳng định ông đã tặng Jean Valjean bộ đồ bằng bạc đó. Tình yêu thương của linh mục Myriel đã làm cho anh chàng bất hảo Jean Valjean thay đổi theo hướng thiện lành, và được ngợi ca vì những hành động cao cả sau đó.
Rõ ràng, chị Dậu, Jean Valjean là những người trưởng thành, còn “cô bé trót dại” ở Thanh Hóa vẫn còn là một trẻ vị thành niên. Cả ba đều “phạm luật”. Nhưng mà thực tế, luật pháp và công lý đôi khi không phải là “đôi bạn cùng tiến”, và “người với người sống để yêu nhau”.
Con người sinh ra vốn Thiện hay Ác là một cuộc tranh luận không hồi kết. Cả hai hướng tiếp cận trên được bàn cãi cả mấy chục thế kỷ mà vẫn chưa có sự đồng thuận tuyệt đối. Thế nên, có chăng “nhân chi sơ tính (vốn) rắc rối”, nên không dễ bề phán xét sự việc, đặc biệt là cô lập sự việc khỏi bối cảnh riêng và chung của nó. Chỉ biết rằng, khi mà ở nông thôn người dân không thể sống bằng ruộng của mình, phải đóng đủ loại thuế phí; khi mà không ít người dân đô thị không thể có sinh kế để lo cho cuộc sống bình thường; khi mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng và sự thờ ơ với người yếm thế ngày càng lớn…, không ai dám chắc sẽ không có thêm những cô bé trộm đồ.
Lê Ngọc Sơn (CHLB Đức)