'Có bạn đọc, tôi thấy mình không cô quạnh'
Họa sĩ Trịnh Lữ nói khi những ghi chép của ông được tập hợp thành sách, nó không chỉ lưu lại sự tồn tại của tác giả, mà được chia sẻ với bạn đọc, khiến ông cảm thấy hạnh phúc.
Trong ngành xuất bản, cái tên Trịnh Lữ được biết tới với tư cách dịch giả. Tên tuổi của ông gắn với nhiều bản dịch tài hoa như Rừng Na Uy, Cuộc đời của Pi, Hội họa Trung Hoa, Utopia, Con nhân mã ở trong vườn, Biển, Người trong bóng tối, Truyện ngắn Úc, Đại gia Gatsby, Nhập môn nghiên cứu dịch thuật, Bàn về nhiếp ảnh, Nghệ thuật & Tâm thức sáng tạo…
Ông vốn là một họa sĩ; bên cạnh cầm cọ, ông cũng tham gia viết sách, báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cuốn sách Trịnh Lữ Ghi chép của ông vừa được ra mắt bạn đọc.
Trong buổi giao lưu về cuốn sách diễn ra sáng 31/1 tại Hà Nội, họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ về sự hình thành cuốn sách. Ông kể mỗi lần dọn dẹp nhà cửa thường thấy những cuốn sổ sách cũ, dở ra xem thì những cảm xúc kéo về.
Ngày nhỏ, Trịnh Lữ nhìn những con chữ trong sách, dù đó là ký tự tiếng Pháp hay tiếng Anh cũng chép theo. Sau này, ông vẫn viết lại những câu chuyện ấn tượng, những kỷ niệm không quên.
Những ghi chép của ông cũng được bạn bè tán thưởng, đề nghị in sách. Cuốn Trịnh Lữ Ghi chép là tuyển chọn các trang viết tay ấy.
Trịnh Lữ bảo ông hy vọng bạn đọc mở sách ra, thấy chỗ nào hay, phù hợp thì đọc, chứ không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối như một tiểu thuyết.
“Khi ghi chép của mình được chia sẻ với mọi người, những trải nghiệm, cảm xúc của mình đến với mọi người, có gì đó rất nhẹ nhàng, mà sâu lắng đọng lại. Nói hạnh phúc thì hơi quá, nhưng có bạn đọc, tôi thấy mình không cô quạnh”, Trịnh Lữ nói.
Ông cho biết thêm: “Có những bạn đọc mà mình không bao giờ được gặp, nhưng họ biết mình, đọc mình qua mạng, qua sách, đó là niềm vui lớn của người viết”.
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ cũng nói về thói quen viết tay của mình. Đến giờ, khoảng 19h hàng ngày, ông sẽ dở cuốn sổ ra, ghi lại những việc mình đã làm trong ngày.
Với Trịnh Lữ, chữ là để ghi lại sự tồn tại của con người: “Nếu mình sống chăm chú với mắt mình nhìn, làm chăm chú với việc mình làm, ghi ra chữ trên giấy, thì sau này thấy đúng là mình đã sống với giây phút ấy, nó được lưu giữ lại. Con người chúng ta có chữ viết là thứ không gì thay thế được”.
Trịnh Lữ bảo con chữ trên giấy “sống” ghê lắm. Chữ trên Internet đã qua “môi giới” của kỹ thuật số với những phông chữ khác nhau. Đến giờ, con người đã làm ra những phần mềm, thiết bị công nghệ để chăm sóc nhau, giao đãi với nhau… Vì vậy, việc dùng chữ viết - sản phẩm vĩ đại của con người - là cách để ta ghi lại sự tồn tại của mình.
“Tôi ghi chép và chia sẻ những ghi chép này cũng là để tự nhắc mình không xa rời chất người”, Trịnh Lữ nói.
Cuốn sách Trịnh Lữ Ghi chép được chia làm hai phần rõ ràng. Phần 1 “Chuyện đời” là những câu chuyện rất riêng tư của tác giả về người bố (họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc), về bạn bè, đồng nghiệp… Đó là phần mà tác giả sống với mọi người, sống với thiên nhiên và sống với bản thân mình.
Phần 2 của sách là những câu chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa, âm nhạc. Đó là những suy nghĩ, những bài học tâm đắc cóp nhặt được từ việc vẽ, dịch, viết của tác giả, cũng như từ sách vở mà ông tâm đắc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-ban-doc-toi-thay-minh-khong-co-quanh-post1179219.html