Chuyện về những 'báu vật' của ngôi làng cổ tại Quảng Bình

Hậu thế của làng Phù Kinh (tỉnh Quảng Bình) vẫn truyền đời lưu giữ những đạo sắc phong vua ban cho làng. Trải qua thăng trầm của thời gian, những 'báu vật' ấy có nhiều hư hại, cần có phương án bảo quản, phục chế phù hợp.

Những đạo sắc phong vua ban

Làng Phù Kinh, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Gianh, xưa kia gọi là dòng Linh Giang. Ông Trần Đình Quyết, một bậc cao niên có am hiểu tường tận về ngôi làng cổ Phù Kinh nói rằng, không thể xác định cụ thể thời điểm các bậc tiền nhân lập làng. Nhưng từ thông tin của gia phả một số dòng họ có thể khẳng định Phù Kinh có hơn 500 năm tuổi đời.

Xã Phù Hóa nằm bên dòng sông Gianh với cảnh sắc hữu tình.

Xã Phù Hóa nằm bên dòng sông Gianh với cảnh sắc hữu tình.

Dân làng Phù Kinh luôn tự hào về những vết tích văn hóa, lịch sử đậm nét của quê hương mình. Nơi đây có nhiều điện, miếu thờ các bậc thần linh và tiền nhân khai khẩn lập làng, có công với đất nước từ hàng trăm năm nay. Làng cổ này còn được biết là một trong những làng sở hữu nhiều sắc phong nhất tỉnh Quảng Bình.

Hậu thế của làng tự hào vì vẫn gìn giữ 18 đạo sắc phong 7 vị thần được dân làng suy tôn của các vị vua triều Nguyễn. Năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh ban 2 sắc phong là Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Đức vua Cao Các Mạc Sơn; năm Canh Dần (1892), vua Thành Thái ban sắc phong Minh Vương Tam Tòa; năm Kỷ Dậu (1909) và năm Quý Sửu (1913) vua Duy Tân ban 8 sắc phong gồm: Chưởng lâm Đại Thần, Tả phủ Hiền quận Công, Phù Sơn Hầu, Đức Thầy…

Miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn - vị thần được Vua Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong.

Miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn - vị thần được Vua Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong.

Năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định ban liền 7 sắc phong cho các bậc tiên hiền làng Phù Kinh. Sắc phong của nhà vua chỉ rõ: "Sắc cho làng Phù Kinh, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình từ trước phụng thờ Thượng đẳng thần Cao Các Mạc Sơn nguyên tặng Hiệu linh Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, giữ nước giúp dân đã từng linh ứng, lần lượt được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ….".

Gìn giữ và phát huy giá trị của "báu vật"

Những đạo sắc phong quý ấy phải trải qua bao biến thiên của lịch sử, sự phá hủy của thời gian. Ông Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết, những sắc phong quý xưa được cất giữ cẩn thận trong các ngôi đền, điện, miếu thờ hoặc nhà thờ họ.

Vùng đất ven sông này thường xuyên đón nhận những trận lũ, có những năm làng ngập trong biển nước. Nhưng dân làng vẫn quyết tìm cách bảo quản những đạo sắc phong. Rồi đến giai đoạn chiến tranh mặc cho mưa bom, bão đạn, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, cả làng vẫn chuyền tay nhau giữ "báu vật".

Đạo sắc phong vua nhà Nguyễn ban cho làng Phù Kinh.

Đạo sắc phong vua nhà Nguyễn ban cho làng Phù Kinh.

"Thời chống Pháp, dân làng đưa các đạo sắc phong về giấu trong nhà. Địch càn rát, dân làng phải cất nơi kín đáo, thậm chí chôn xuống đất. Không chỉ có quân giặc, những trận lụt lớn cũng khiến "báu vật" của làng có nguy cơ bị tàn phá. Khi đó người dân đưa các sắc phong lên núi làm lều lánh nạn, đợi nước rút mới đem về các ngôi đền cất giữ", ông Hoan cho biết.

Bậc cao niên trong làng vẫn nhớ như in và tự trách vì để những đạo sắc phong bị hư hại trong trận lụt lớn năm 1980. Khi đó, các sắc phong được cất trong chiếc hộp gỗ lớn tại miếu thờ. Nước lũ dâng cao, cả làng nháo nhác chạy lụt, chiếc hộp gỗ đựng sắc phong bị trôi theo dòng nước. May mắn có người chèo thuyền xuôi dòng tìm kiếm lại được chiếc hộp và giao cho chính quyền xã lưu giữ.

Qua những thăng trầm của thời gian, các sắc phong đều bị hư hại ở mức độ khác nhau, có những sắc phong bị hư hỏng đến 70%. Hiện tất cả 18 đạo sắc phong của làng Phù Kinh được bảo quản kỹ càng và đặt trang trọng tại Phòng Truyền thống của UBND xã Phù Hóa.

Qua những thăng trầm của thời gian, các sắc phong đều bị hư hại ở mức độ khác nhau.

Qua những thăng trầm của thời gian, các sắc phong đều bị hư hại ở mức độ khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa chia sẻ, những đạo sắc phong với tuổi đời gần 150 năm đã nhuốm màu thời gian nhưng từng dấu mực, ấn triện vẫn còn nguyên nét, từng trang giấy sắc phong còn giữ màu vàng nguyên bản. Tiếc là một số sắc phong không còn nguyên vẹn, bị rách nát, mốc bẩn.

"Mong muốn của địa phương là sắp tới, cơ quan chuyên môn sẽ có động thái phục hồi, tư vấn bảo quản hoặc tổ chức dịch thuật nhằm phục vụ công tác số hóa 18 sắc phong cho địa phương nhằm bảo tồn và lan tỏa nguồn di sản quý hiếm mà cha ông để lại cho hậu thế", ông Trung chia sẻ.

Bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng phòng Di tích, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao của các triều đại phong kiến, truyền đạt mệnh lệnh của các vị hoàng đế. Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm cụ thể nhằm ghi lại tên tuổi, công lao của các vị thần được người dân tôn thờ nên nội dung sắc phong có tính chính xác gần như tuyệt đối.
Sắc phong triều Nguyễn về cơ bản có 2 loại gồm thiên thần (thiên thần, thổ thần, sơn thần, thủy thần...) và nhân vật, được quy định theo hệ thống phẩm trật, đi kèm với các mỹ tự và chia theo 3 cấp độ khác nhau, gồm Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần.
Riêng ở làng Phù Kinh là hệ thống sắc phong thần là do các vị hoàng đế phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong đình làng, miếu thờ. Đây là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của dân làng.

Viễn Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nhung-bau-vat-cua-ngoi-lang-co-tai-quang-binh-172240524160459592.htm