Chuyến thăm của 'tàu do thám' Trung Quốc đẩy Sri Lanka vào thế khó

Phản ứng của Ấn Độ đối với chuyến thăm sắp tới của tàu quân sự Trung Quốc Yuan Wang 5 tại cảng biển chiến lược Hambantota đẩy Sri Lanka vào thế khó.

Sri Lanka cho phép tàu Yuan Wang 5 cập cảng Hambantota, cảng biển ở miền Nam Sri Lanka do Trung Quốc đầu tư và quản lý. Chuyến thăm dự kiến diễn ra ngày 11-17/8.

Tuy nhiên, Ấn Độ bày tỏ lo ngại về chuyến thăm trên do tàu Yuan Wang (Viễn Vọng) 5 có trang bị hệ thống do thám công nghệ cao.

Dù tàu Yuan Wang 5 được biết đến là tàu nghiên cứu và khảo sát, đài CNN-News18 của Ấn Độ gọi đây là tàu do thám lưỡng dụng, được dùng để theo dõi vệ tinh và không gian, thường sử dụng trong các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hôm 6/8, nhiều tờ báo của Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin cho biết Colombo đang yêu cầu phía Bắc Kinh “hoãn vô thời hạn” chuyến thăm của tàu Yuan Wang 5.

Rủi ro an ninh

Chia sẻ với Nikkei Asia, đại tá Nalin Herath, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Sri Lanka, cho biết nước này đã chấp thuận yêu cầu cho phép cập cảng đối với tàu Trung Quốc dựa trên “quy trình tiêu chuẩn”.

Ông Herath nhấn mạnh tàu Yuan Wang “không phải là tàu hải quân đầu tiên của Trung Quốc cập cảng Sri Lanka” và nhiều tàu của một số quốc gia trong đó có Ấn Độ và Mỹ cũng từng ghé thăm.

Vị này cho biết phía Trung Quốc thông tin rằng tàu Yuan Wang 5 chỉ cập cảng để tiếp nhận nhiên liệu và một số nguồn cung cấp khác.

Song một số chuyên gia của Sri Lanka và Ấn Độ nghi ngờ về mục đích tiếp nhiên liệu của tàu Yuan Wang 5 tại Sri Lanka, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng do thiếu ngoại tệ.

Tàu Yuan Wang 5 dự kiến cập cảng Hambantota, Sri Lanka để tiếp nhiên liệu. Ảnh: AFP.

Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc tàu Yuan Wang 5 được trang bị công nghệ do thám và điều này có thể dẫn tới các rủi ro an ninh.

Ông Rohan Masakorala, chuyên gia vận tải biển và Giám đốc điều hành của Học viện Vận tải Colombo, nhận định con tàu Yuan Wang 5 có khả năng quét tầm xa để lập bản đồ các cơ sở quốc phòng và giúp quân đội Trung Quốc lập kế hoạch chiến lược.

Theo giới truyền thông, tàu Yuan Wang có thể sẽ tiến hành các hoạt động do thám không gian, kiểm soát vệ tinh và theo dõi nghiên cứu trong khu vực.

“Phía Ấn Độ không coi đây là một tàu chiến nhưng theo quan điểm của họ thì đây là tàu do thám”, ông Masakorala chia sẻ với Nikkei Asia.

R. Hariharan, cựu chuyên gia tình báo quân sự Ấn Độ kết hợp với trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Chennai, cho biết Trung Quốc vận hành một đội tàu lớn bao gồm tàu Xiang Yang Hong 06 đã triển khai ít nhất 12 drone dưới nước tại Ấn Độ Dương vào năm 2019.

Ông Hariharan nói rằng máy bay không người lái đã di chuyển hơn 12.000 km và thực hiện hơn 3.400 lượt quan sát, theo báo cáo của Học viện Khoa học Trung Quốc hồi tháng 3/2020. Những máy bay không người lái có thể lập bản đồ và thu thập thông tin của các vùng biển.

Theo ông Hariharan, dữ liệu thu thập được “có thể giúp Trung Quốc phát hiện và theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm nước ngoài và cũng có thể sử dụng để lập lộ trình cho các tàu ngầm của mình”.

Thế khó của Sri Lanka

Hiện Sri Lanka đều dựa vào cả hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ trong nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử.

Theo tờ Nikkei Asia, một số chuyên gia cho rằng giới chức Sri Lanka sẽ cần có một động thái ngoại giao đặc biệt khéo léo để giải quyết vấn đề.

Tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết chính phủ nước này sẽ “theo dõi sát sao bất kỳ ảnh hưởng nào lên các lợi ích kinh tế và an ninh của Ấn Độ, đồng thời sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hy vọng “các bên liên quan sẽ xem xét và báo cáo về các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của Trung Quốc một cách chính xác và hạn chế can thiệp vào các hoạt động hàng hải thông thường và hợp pháp”.

Ông Hariharan và một số chuyên gia đều đồng tình rằng giải pháp tối ưu là giới chức Sri Lanka sẽ duy trì đối thoại mở với phía Ấn Độ.

Tầm ảnh hưởng

Những năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc liên tục tranh giành tầm ảnh hưởng tại Sri Lanka.

Kể từ khi cuộc nội chiến tại Sri Lanka kết thúc năm 2009, Bắc Kinh đã rót đầu tư vào các sân bay, cảng biển, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác của Sri Lanka.

Hồi năm 2017, cảng biển chiến lược Hambantota được chính phủ Sri Lanka giao lại cho Trung Quốc trong một thỏa thuận thuê 99 năm nhằm xóa 1,1 tỷ USD tiền nợ.

Dự án cảng Hambantota được coi là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Cảng biển chiến lược Hambantota, miền nam Sri Lanka. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Ấn Độ liên tục tìm cách tiếp tục tham gia vào các khoản đầu tư khác. Khi Sri Lanka chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm nay, New Delhi đã nhanh chóng giúp đỡ, mở rộng khoản vay và hạn mức tín dụng trị giá hơn 3,5 tỷ USD.

Ông George I. H. Cooke, cựu quan chức ngoại giao của Sri Lanka, nhấn mạnh rằng Sri Lanka cần tránh gây hiềm khích với Trung Quốc, do nước này hiện cần một thỏa thuận với Bắc Kinh để tái cơ cấu nợ.

Đồng thời, ông nhận định Sri Lanka sẽ phải sử dụng "tài ngoại giao khéo léo" để giải thích với Ấn Độ rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cập cảng từ phía Trung Quốc.

Vị này cũng cho rằng nếu chính quyền Colombo đáp ứng yêu cầu của Ấn Độ, điều này sẽ làm mất lòng Bắc Kinh và có thể gây ảnh hưởng tới hy vọng phục hồi nền kinh tế.

100 ngày biểu tình rung chuyển Sri Lanka Từ các cuộc biểu tình đầu tháng 4, phong trào phản đối ở Sri Lanka dần lớn mạnh và đã buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Mũi nhọn đang được chĩa vào quyền tổng thống.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-tham-cua-tau-do-tham-trung-quoc-day-sri-lanka-vao-the-kho-post1343270.html